MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia và ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải C. Ảnh: Hải Nguyễn

Báo Lao Động đoạt 2 giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022

PHẠM ĐÔNG - HẢI NGUYỄN LDO | 21/06/2023 22:43

Trong lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022 diễn ra tại Hà Nội tối nay (21.6), Báo Lao Động đã đoạt 1 giải C và 1 giải Khuyến khích.

Tối 21.6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022.

Giải Báo chí quốc gia được tổ chức hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng các tác phẩm báo chí xuất sắc có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp.

Tại giải lần này, Báo Lao Động đoạt 1 giải C, 1 giải Khuyến khích giải Báo chí quốc gia.

Cụ thể, tác phẩm loạt 5 bài: Trục lợi chính sách nhà ở xã hội tại Bắc Ninh của tác giả Trần Huy Tuấn – Chi hội Nhà báo Báo Lao Động đoạt giải C.

Nhà báo Trần Huy Tuấn (Báo Lao Động) nhận giải C giải Báo chí quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Loạt bài phản ánh tình trạng nhiều dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh bán cao hơn giá Sở Xây dựng đã phê duyệt hàng trăm triệu đồng/căn hộ. Số tiền chênh trái quy định trên đã làm hạn chế khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của nhiều công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh - thủ phủ công nghiệp hàng đầu miền Bắc, nơi có hơn 300 nghìn người lao động đang làm việc và sinh sống.

Từ phản ánh của Báo Lao Động, Bộ Xây dựng đã ra văn bản đề nghị địa phương vào cuộc xác minh, làm rõ vấn đề báo nêu. Sau đó, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra, làm rõ vi phạm, xử phạt hành chính 340 triệu đồng đối với các chủ đầu tư dự án; thực hiện thu hồi lại 89 căn nhà ở xã hội bán cho không đúng đối tượng và không đảm bảo trình tự theo quy định. Đồng thời, hoàn trả lại số tiền đã thu chênh ngoài hợp đồng của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra các giải pháp căn cơ để công nhân, người thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở xã hội với giá gốc như: Giao Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn, tổng hợp nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động qua đó kết nối với các cơ quan chức năng, chủ đầu tư.

Yêu cầu các chủ đầu tư công khai minh bạch, giá bán, đối tượng được mua tại các dự án nhà ở xã hội. Triển khai, sắp xếp dữ liệu, thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên web của Sở Xây dựng Bắc Ninh theo từng khu vực, từng đầu mục, đảm bảo dễ dàng cho người dân tìm hiểu, tra cứu.

Tác phẩm loạt 4 bài: Thị trường ngầm trục lợi từ “buôn trứng, bán máu” của dịch vụ đẻ thuê của nhóm tác giả Bùi Thị Diệu Thơm, Trịnh Tùng Giang – Chi hội Nhà báo Báo Lao Động đoạt giải Khuyến khích.

Phóng viên Bùi Thơm (Báo Lao Động) - đại diện nhóm tác giả nhận giải Khuyến khích giải Báo chí quốc gia năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đó, dù được pháp luật quy định rất rõ ràng về các hành vi trục lợi từ việc mang thai hộ, mua bán “giống” người, nhưng thị trường ngầm này vẫn diễn ra rầm rộ, ngày càng phổ biến. Thậm chí, còn được coi là một thứ nghề “hái ra tiền”.

Phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập một đường dây ngầm trục lợi từ việc "mua bán những đứa con tiền tỉ" của dịch vụ đẻ thuê tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Khuyến khích. Ảnh: Hải Nguyễn

Loạt bài đã khắc hoạ rõ nét thị trường ngầm của các “dịch sinh thuê, đẻ mướn” ở nước ta hiện nay. Bằng sự tìm tòi, dấn thân, hoá mình thành chính những phụ nữ có nhu cầu bán trứng, đẻ thuê, thực hiện các thủ thuật thăm khám để tận thấy quy trình buôn trứng, bán con.

Nhóm phóng viên đã vạch trần những đường dây có sự cấu kết chặt chẽ giữa cò mồi, nhân viên y tế và những cô gái cần tiền mang thân mình ra làm mặt hàng giao dịch. Từ đó, khắc hoạ rõ nét câu chuyện bi thương của những cô gái mới mười chín đôi mươi nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy, cần tiền sẵn sàng bán đi giọt máu của mình.

Các phóng viên Báo Lao Động đoạt giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII. Ảnh: Hải Nguyễn

Tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp không chỉ mang lại những hậu quả về sức khoẻ nòi giống, đây còn là hành vi vô nhân đạo đáng lên án.

Nhằm ngăn chặn thực trạng này, ngày 12.7, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn số 3704/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng và Y tế các bộ, ngành về việc tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn