MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Báo Lao Động nhận giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV-2019. Ảnh: Hải Nguyễn

Báo Lao Động trong những ngày Cách mạng Tháng Tám

Minh Quang LDO | 13/08/2020 18:07

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một trang đẹp rực rỡ trong lịch sử Báo Lao Động.

Ngay trong ngày 19.8 - ngày Hà Nội giành chính quyền, ngôi nhà 51 Hàng Bồ sau này là trụ sở Báo Lao Động, đã thuộc về Cách mạng. Ngôi nhà này là của Phạm Lê Bổng - một nghị sĩ giàu có. Lúc đó, ngôi nhà đang là trụ sở Báo Bình Minh do Nguyên Giang làm chủ bút.

Ngôi nhà có mặt tiền trông ra phố Hàng Bồ là một phố cổ của Hà Nội, có chiều sâu chừng 60 mét, gồm 3 tầng xây kiên cố. Tầng dưới đặt máy in và kho giấy. Việc biên soạn bài cho tờ Bình Minh, sắp chữ, lên khuôn, chế bản làm ở tầng hai. Ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa, ngôi nhà được giao cho Ban Công vận của Trung ương Đảng, đồng thời là Trụ sở của Trung ương Hội Công nhân Cứu quốc Bắc Bộ. Các đồng chí thuộc Ban Công vận như Hà Kế Tấn, Trần Danh Tuyên, Trần Bảo… ngày đi công tác, đêm về chụm đầu bàn bạc rồi trải chiếu ngủ lăn lóc trong những căn phòng tầng ba.

Trần Danh Tuyên được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Báo Lao Động ra công khai, ông làm chủ nhiệm báo trong nhiều năm sau đó. Năm 1945, ông mới 33 tuổi, vốn là học sinh trường Kỹ nghệ Hà Nội, nghề thợ máy, ra trường đi làm ở Nhà máy xe lửa Trường Thi, thuộc Vinh, Nghệ An. Tại đây, ông theo cách mạng, năm 1936-1937 đã tham gia chỉ huy cuộc bãi công lớn của công nhân Trường Thi. Bị đổi về Nhà máy đúc kẽm Quảng Yên, ông lại lãnh đạo các cuộc đấu tranh ở đây. Bị thực dân bắt, giải đi giam ở nhiều nơi, ông đã tham gia các cuộc đấu tranh của chính trị phạm ở các nhà tù Sơn La, Vinh, Hà Nội, Hoà Bình, Thái Nguyên, Chợ Chu...

Ông ở trong Ban phụ trách Công nhân Cứu quốc hội từ những ngày đầu, sau này là sáng lập viên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông đã giữ những nhiệm vụ quan trọng như Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Vật Tư. Ông là người đầu tiên liên lạc với Liên hiệp Công đoàn Thế giới năm 1946 đóng trụ sở tại Paris (Pháp) và xin cho Công đoàn Việt Nam gia nhập tổ chức này.

Những người làm báo cùng với Trần Danh Tuyên thời đó còn có Văn Cao, Trần Quốc Diệp tức Trần Lưu Trác, Nguyễn Huyến. Phụ trách nhà in là Vũ Tiệp. Nhà in lúc đó có hai máy, loại in 8 trang và loại in 2 trang.

Phòng truyền thống Báo Lao Động.

Chúng ta hãy nghe nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao kể chuyện làm Báo Lao Động:

- “Tôi có vinh dự là sau Cách mạng Tháng Tám, khi Báo Lao Động ra số công khai đầu tiên thì tôi đã có mặt. Trước đó, tôi làm việc bên Báo Độc Lập. Vốn có quan hệ công tác thời bí mật với ông Trần Danh Tuyên và ông Nguyễn Hữu Mai, nên khi ông Tuyên phụ trách tờ Lao Động mời là tôi về ngay.

Hằng ngày, tôi làm việc trực tiếp với ông ấy ở 51 Hàng Bồ - trụ sở của Báo Lao Động. Tôi vừa viết bài, viết truyện vừa trông nom việc ấn loát. Nhà in ở tầng một. Trên gác bàn việc xong là tôi xuống ngay với anh em công nhân. Và suốt ngày, thậm chí suốt đêm ở đó luôn. Nhà in thiếu thốn đủ thứ, mầu, mực không có đã đành. Khuôn chữ thì nham nhở. Phải tìm tòi lục lọi cái gì còn tận dụng được thì dùng. Phải làm sao tờ báo in ra được đẹp. Bí quá tôi phải về lấy bộ chữ mới (bộ chữ có chân) ở Nhà in Rạng Đông của ông bố vợ sau này. Có chữ tốt rồi lại phải tìm cách trình bày sao cho đẹp, cho rõ ràng, sáng sủa...

Trước mình là anh sáng tác, suốt ngày lang thang vơ vẩn ngoài đường. Giờ thì từ sáng đến khuya quanh quẩn bên bàn, bên máy; bên anh em công nhân... giữ luôn cả việc sửa mo-rát (sửa bản in thử) nữa. Có vất vả nhưng thấy rất vui, không biết mệt là gì... Tờ Lao Động in rất đẹp, chữ có chân vào loại nhất thời bấy giờ…

Và chính trong không khí đó, không khí gần gụi bên các người thợ in mà tôi đã sáng tác được bài "Công nhân Việt Nam". Bài hát sau này đã trở thành quốc ca của Tổng Liên đoàn Lao động nước ta (Ý Văn Cao nói: Trở thành bài hát chính thức của Công đoàn Việt Nam). Đang làm với Báo Lao Động rất vui thì theo đề nghị của ông Tố Hữu, tôi được điều sang Văn hoá cứu quốc. Tôi vẫn sang chơi bên Báo Lao Động luôn cho tới ngày toàn quốc kháng chiến”.

Trong hai năm 1945-1946, Báo Lao Động ra được 30 số, bắt đầu từ số 13 ra ngày Thứ Năm 18.10.1945, 59 ngày sau ngày Tổng khởi nghĩa. Ông Trần Quốc Diệp kể: Lúc đó, công việc cách mạng hết sức bề bộn, ra được tờ báo là khó lắm, thiếu tiền, thiếu giấy, nhất là thiếu giấy. Tôi nhớ anh Trần Cư (trong Trung ương hội Công nhân Cứu quốc) và tôi phải đi vơ vét từng tập giấy in ở các nơi đem về xếp đống ở dưới gầm cầu thang nhà 51 Hàng Bồ. Sở dĩ phải cố gắng ra số báo công khai đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám vào ngày 18.10.1945 là vì một tuần sau đó, ngày 25.10 sẽ diễn ra sự kiện lịch sử: Hội nghị đại biểu Công nhân Cứu quốc miền Bắc Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là hội nghị đầu tiên của các đoàn thể cách mạng sau Cách mạng tháng Tám, tôi nhớ đồng chí Võ Nguyên Giáp có đến dự. Báo Lao Động ra để chuẩn bị cho sự kiện đó. Số đầu tiên ra công khai in typô hẳn hoi, nhưng được có 1.500 bản. Số sau đã phát hành tới 10.000 bản.

Được đọc lại những số Báo Lao Động ra năm 1945 là một điều kỳ thú, chúng ta sẽ cảm thấy như được sống lại những ngày đầu của thời kỳ mới giành chính quyền, được nghe lại chính cái giọng nói của người công nhân làm báo.

Báo có hai trang, khổ 45x35cm. Sau đây là bài đăng trên trang 1.

TỰ GIỚI THIỆU

Trước cuộc khởi nghĩa mặc dầu luôn bị bọn giặc Pháp - Nhật khủng bố đàn áp gắt gao, tờ Lao Động cũng như các sách báo bí mật khác trong Mặt Trận Việt Minh, vẫn mạnh bạo sống để hướng dẫn công nhân làm trọn sứ mệnh cứu nước của mình. Nó đã vượt qua bao nhiêu khó khăn nguy hiểm để nhẫn nại, cương quyết theo đuổi cuộc tranh đấu cho tới ngày tổng khởi nghĩa bùng nổ.

Đáng nhẽ nó phải theo chân các bạn đồng nghiệp nhảy ra ngoài ánh sáng cùng với phong trào cách mạng để tiếp tục nhiệm vụ của nó. Nhưng vì hoàn cảnh, tờ Lao Động đã nằm yên một chỗ, từ sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Đó là cái lỗi lớn của những người chịu trách nhiệm về nó. Bây giờ đây phong trào công nhân đương tiến triển sôi nổi rộng lớn, trong toàn cõi Việt Nam. Nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội phải đặt ra; và tất nhiên trong công nhân sẽ nẩy nở ra những chủ trương quá trớn hay thụt lùi. Cho nên công nhân bắt buộc phải có cơ quan ngôn luận để vạch rõ nhiệm vụ và những sự cần thiết của mình trong lúc này, để tự giúp mình tiến bước trên đường phấn đấu.

Bởi vậy tờ Lao Động lại tiếp tục ra đời, mới mẻ và mạnh mẽ.

Lao Động sẽ tích cực đả phá chủ trương phá hoại của bọn phản cách mạng, sẽ nghiên cứu tỉ mỉ tình cảnh, nguyện vọng của công nhân trong xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ; sẽ vạch rõ nhiệm vụ của công nhân trong giai đoạn hiện tại, sẽ là nơi diễn đàn chung của toàn thể công nhân Việt Nam.

Lao Động là người bạn sát cánh của công nhân trên đường chiến đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ Quốc.

Lao Động số 14 ra ngày 1.11.1945 có một bài cổ vũ công nhân viết Báo Lao Động.

TAY CÔNG NHÂN VIẾT BÁO LAO ĐỘNG

Báo Lao Động phải là người bạn trung thành của anh chị em công nhân. Ý nguyện của nó phải là ý nguyện của anh chị em công nhân. Nó sẽ mãi mãi sống trên tay công nhân trong bước đường gian nan, cũng như trong lúc vinh quang, chỉ có chính tay công nhân mới viết nổi tờ Lao Động. Tuy nhiên hiện nay nó có rất nhiều khuyết điểm, nhưng nó sẽ được người công nhân sửa chữa dần để đi đến hoàn toàn.

Anh chị em công nhân,

Mỗi người chúng ta phải là một cố vấn, một phóng viên của tờ Lao Động. Từ hầm mỏ, nhà máy, đồn điền... chúng ta hãy gửi bài về đăng báo của chúng ta và gửi thư về góp ý kiến với Bộ biên tập. Bộ biên tập cũng chỉ gồm những công nhân.

BÚA MÁY

(Bài viết sử dụng tư liệu trong Sách 90 năm Báo Lao Động)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn