MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ Đông Ba. Ảnh: Từ Ân

Báo Lao Động trong tim những “chị Hai”

Hoàng Văn Minh LDO | 08/08/2022 10:15
Huế - Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ, nhưng hình ảnh bước thấp bước cao của chị Lê Thị Hai do đôi chân bị dị tật bẩm sinh, trên tay khệ nệ ôm tập hồ sơ đến gõ cửa Văn phòng Báo Lao Động tại Huế vào một buổi trưa nóng bức của năm 2001 thì tôi không bao giờ quên được.

Đặt niềm tin đúng chỗ

Chị Lê Thị Hai, thời điểm ấy là tiểu thương ở chợ Đông Ba - chợ trung tâm của thành phố Huế. Chị cùng gần chục tiểu thương khác, đang gặp vấn đề nghiêm trọng kéo dài với Ban Quản lý chợ Đông Ba liên quan đến việc "đấu lô" để làm chỗ kinh doanh trong chợ.

Đơn từ được các tiểu thương gửi liên tục từ cấp thành phố cho đến cấp tỉnh trong suốt thời gian dài, nhưng thông tin phản hồi tích cực nhất chỉ là những tờ phiếu cho biết “chúng tôi đã nhận được đơn...”; hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết để tránh khiếu kiện kéo dài.

“Nhiều người nói, Báo Lao Động rất mạnh và quyết liệt trong việc đấu tranh chống tiêu cực, là nơi có thể đặt niềm tin và hy vọng nên tụi chị tìm đến đây để nhờ quý báo lên tiếng”, chị Hai vừa kể vừa khóc. 

Tôi tiếp nhận đơn thư và vào cuộc. Thời điểm đó, Báo Lao Động ở Hà Nội, miền Trung – Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đều có các trang địa phương. Thường các vấn đề tiêu cực xảy ra ở địa phương,  tính đại diện không lớn sẽ được đăng tải trên các trang này. Dù vậy, sự tác động của thông tin trên các trang này có thể nói không thua, thậm chí có nhiều vụ việc còn gây tiếng vang lớn hơn cả “trang chính”.

Tôi nhớ, ngay khi trang Miền Trung – Tây Nguyên của Báo Lao Động đăng bài đầu tiên của loạt bài liên quan đến tiêu cực ở Ban Quản lý chợ Đông Ba, Trưởng Ban quản lý chợ lúc đó đã chủ động tìm đến Văn phòng báo để xin gặp phóng viên và giải trình.

Đến khi bài thứ hai được đăng tải thì đích thân Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế thành phố Huế gọi điện cho phóng viên để hẹn một cuộc gặp ngoài giờ có cả “bộ sậu” của Ban Quản lý chợ.

Đến bài thứ năm thì bắt đầu có những cuộc điện thoại nặc danh đe dọa phóng viên, từ “sẽ khởi kiện” đến "coi chừng". Và đến bài thứ bảy, thứ tám... thì lãnh đạo thành phố Huế và Ban Quản lý chợ Đông Ba bắt đầu có những cuộc họp để xem xét lại vấn đề báo nêu. Sau đó là “âm thầm” sửa sai, bằng cách trả lại quyền lợi chính đáng cho các tiểu thương.

“Lúc đó tụi chị rất lo vì biết em chịu rất nhiều áp lực và cả cám dỗ. Nhưng em đã vượt qua được và Báo Lao Động đã đeo bám vụ việc của tụi chị tới cùng. Đến bây giờ, tụi chị vẫn còn cảm giác vui, hạnh phúc vì đã đặt niềm tin đúng chỗ”, chị Hai nói.

Luôn nhớ ơn Báo Lao Động

Một chị Hai khác - Nguyễn Thị Hai, cũng ở thành phố Huế, làm nghề kinh doanh bất động sản. Cũng những năm 2000, chị Hai tìm đến Văn phòng Báo Lao Động tại Huế đề nghị báo bảo vệ quyền lợi cho chị. 

Nhưng lần này, “án” của chị không những một mà nhiều vụ thuộc về lĩnh vực tranh chấp đất đai, liên quan trực diện đến một số cá nhân đang là lãnh đạo cấp phòng và UBND thành phố, cấp Sở và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Và khiếu nại của chị Hai với chính quyền địa phương trước đó đã được tính bằng đơn vị năm trong vô vọng.

Báo Lao Động vào cuộc. Và suốt hơn 3 tháng trời theo đuổi vụ việc cùng hơn chục bài báo đăng trên trang Miền Trung – Tây Nguyên, cuối cùng, quyền và lợi của người lao động được Báo bảo vệ thành công.

Chị Nguyễn Thị Hai kể nhớ nhất là những ngày đó, sáng nào chị cũng ra các quầy báo trong thành phố thật sớm để chờ báo về và mua hết tất cả các tờ Báo Lao Động có đăng bài liên quan đến mình. Mua hết báo, chỉ vì một lý do duy nhất “là để có cảm giác cùng lúc có được nhiều tiếng nói trên báo chí hơn, ví dụ mua 50 tờ thì cảm giác như đang có 50 tác giả cùng nói...”.

Gần 20 năm sau nhắc lại chuyện cũ, chị Hai bảo mình “vẫn luôn đọc, dõi theo và cảm ơn Báo Lao Động” vì những năm tháng đó, Báo đã đứng về phía chị, kiên trì đấu tranh bảo vệ chị và lẽ công bằng, kèm theo đó là lượng tài sản quy đổi rất nhiều tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn