MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Bảo mật đề thi để công bằng với mọi thí sinh

Đặng Chung - Huyên Nguyễn LDO | 04/08/2020 11:32
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, để đảm bảo an toàn cho thí sinh, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 2 đợt. Đồng tình với phương án này, nhưng điều khiến nhiều người lo ngại là công tác bảo mật và xây dựng đề thi sẽ được thực hiện ra sao để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, minh bạch và công bằng với tất cả thí sinh?

Chia kỳ thi làm 2 đợt là hợp lý

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 rất quan trọng, vì vừa xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở xét tuyển cao đẳng, đại học.

Hiện các địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị kỳ thi, trong đó xem xét kỹ lưỡng đến bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, với các địa phương không thuộc diện cách ly xã hội và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cam kết đảm bảo điều kiện an toàn về chống dịch bệnh sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch - tức diễn ra từ 8-10.8. Những địa phương thuộc diện cách ly xã hội, xét thấy không an toàn như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ GDĐT sẽ có phương án tổ chức thi sau.

Về phương án chia kỳ thi làm 2 đợt, nhiều địa phương bày tỏ đồng tình. Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, đồng ý với đề xuất của Bộ GDĐT, nhưng đề nghị những huyện chưa có lây nhiễm trong cộng đồng được thi đợt 1, còn những nơi có ca lây nhiễm trong cộng đồng  thì thi đợt 2.

Ông Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng, đề xuất chia kỳ thi thành hai đợt là hợp lý, thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển đại học. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, một số ý kiến đề xuất huỷ kỳ thi là cực đoan. Khi Chính phủ đã giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm chính về các địa phương thì cần phải nghe xem ý kiến các tỉnh như thế nào. Nếu tỉnh bảo không đủ sức tổ chức được thì bộ phải theo, còn tỉnh vẫn đảm bảo được thì không có lý do gì phải dừng lại cả. Vì thế, đề xuất của Đà Nẵng, Quảng Nam và phương án thi 2 đợt của Bộ GDĐT là hợp lý trong giai đoạn này.

Lo ngại chênh lệch độ khó của đề thi

Đồng tình với phương án thi mà Bộ GDĐT đưa ra, tuy nhiên hiện nhiều học sinh lo ngại, nếu tổ chức thi làm 2 đợt, đề thi sẽ được xây dựng thế nào để không chênh lệch về độ khó? Để cả thí sinh tham gia đợt 1, lẫn đợt 2 đều cảm thấy công bằng.

Về những lo ngại của học sinh, theo TS Lê Thị Thanh Mai (Đại học Quốc gia TPHCM), hiện nay Bộ GDĐT đã xây dựng được ngân hàng đề thi, với nhiều đề thi dự phòng. Nhưng quan trọng nhất là đề thi phải đồng đều về độ khó, xây dựng theo chuẩn kiến thức phổ thông, trong chương trình đã được giảm tải.

“Học sinh thi đợt 1 sẽ lo thí sinh thi đợt 2 có lợi thế hơn, vì đã biết cấu trúc đề thi, có thời gian ôn thi. Nhưng các em cũng phải hiểu vì điều kiện dịch bệnh nên mới phải tổ chức kỳ thi theo cách này. Bộ GDĐT sẽ có phương án để đảm bảo cân bằng cho học sinh. Độ khó sẽ tương đương nhau. Nhiệm vụ của thí sinh lúc này là tập trung ôn thi và giữ gìn sức khỏe thật tốt” - TS Lê Thị Thanh Mai cho biết.

Theo bà, điều đáng bàn nhất lúc này là các trường sẽ có phương án tuyển sinh với những thí sinh tham gia trong đợt 2 như thế nào? Các trường đại học cần nhanh chóng đưa ra các kịch bản và phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện tại.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cũng cho rằng, thí sinh yên tâm về khâu bảo mật đề thi. Với ngân hàng câu hỏi của bộ, đề thi đã được chuẩn hóa, với lý thuyết xác suất thống kê và đánh giá thì máy tính sẽ tự lựa chọn ngẫu nhiên những câu hỏi ở độ khó khác nhau vì thế mức độ khó của đề thi sẽ ngang nhau. Hơn thế nữa, 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên đảm bảo tính công bằng cao, không lo chênh lệch độ khó của đề thi giữa 2 đợt.

Trong công tác tuyển sinh, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho biết, các trường đều nắm rõ số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển, thí sinh ở tỉnh nào. Trường căn cứ tình huống cụ thể, tỉ lệ đã đăng ký để chờ kết quả thi đợt 2 của một số tỉnh rồi xét tuyển hoặc chia thành hai đợt tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp chia kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, trường đại học sẽ dành một số chỉ tiêu cho thí sinh ở những vùng có dịch, không thi được đợt 1.

Cần sửa quy chế điểm trúng tuyển nếu tuyển sinh 2 đợt

“Theo quy chế tuyển sinh, điểm trúng tuyển đợt 2 sẽ không được thấp hơn đợt 1. Đây chính là điểm còn vướng khi tổ chức thi 2 đợt. Vì thế, theo tôi, Bộ GDĐT cần sửa lại quy định, thậm chí, điểm tuyển sinh đợt 2 có thể thấp hơn để ưu tiên cho các thí sinh ở “vùng dịch” - PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn