MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất cập khi sống trong đất nước thanh bình nhưng cư trú bất hợp pháp

Cường Ngô - Phạm Đông LDO | 22/06/2023 17:39

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam, đại biểu Quốc hội cho rằng, "điều này là cần thiết".

Cân nhắc thu phí người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước

Tham gia thảo luận Luật Căn cước chiều 22.6, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, đối với quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam, theo báo cáo, có gần triệu người thường trú tại nước ta nhưng không có giấy tờ tuỳ thân. Đa phần họ rất khó khăn về kinh tế, không có chính sách an sinh - xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Quốc hội

“Sống trong đất nước thanh bình mà cuộc sống bất hợp pháp, nếu có vấn đề xảy ra sẽ không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ, rất bất cập” - ông Hoà nhìn nhận và cho biết, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, quá trình triển khai phải thận trọng, khách quan, đơn giản thủ tục.

Đối với quy định thông tin của công dân tại Điều 10 có 24 khoản, đại biểu Hòa cho rằng, quá nhiều thông tin, nên thiết kế lại những khoản trùng lặp, không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú tạm trú), số căn cước nếu đã có căn cước công dân, ngày - tháng - năm chết hoặc mất tích, tình trạng khai báo tạm vắng.

Theo đại biểu, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt.

“Đối với thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN cần cân nhắc vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN đâu phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc xét nghiệm sẽ rất tốn kém” - ông Hoà nói.

Đối với thông tin trên thẻ căn cước, đại biểu đề nghị, điều chỉnh một số nội dung trên thẻ như: nơi sinh thay cho nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thay cho nơi cư trú, nơi cấp là Công an tỉnh thay cho Bộ Công an.

Theo đại biểu, việc tạm giữ thẻ căn cước đối với người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là không nhất thiết, vì các đối tượng này chưa mất quyền công dân, vẫn có thể sử dụng căn cước để giao dịch theo quy định của pháp luật.

Đối với quy định cấp thẻ căn cước điện tử cần có thời gian theo lộ trình vì hiện nay công dân không phải ai cũng sử dụng điện thoại thông minh, nếu có thì chưa chắc sử dụng internet, có nơi chưa có mạng internet.

Theo đại biểu, nên cân nhắc thu phí việc người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước vì đổi tên căn cước là theo quy định của luật, chứ không phải do lỗi của người dân. Hiện nay, hàng triệu căn cước công dân đã được cấp.

Nên phân cấp, phân quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Cũng thảo luận về dự án Luật Căn cước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng thuận với việc đổi tên luật thành Luật Căn cước.

Theo đại biểu Nga, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm nhóm đối tượng người gốc Việt Nam. Việc đổi tên luật sẽ bao hàm được cả nhóm đối tượng này thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Về cơ sở dữ liệu căn cước, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Cư trú 2020, Luật Căn cước công dân 2014, đồng thời đối chiếu với các quy định dự thảo đang xây dựng, Bộ Công an quản lý các cơ sở dữ liệu, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu căn cước.

Các cơ sở dữ liệu này đều với mục đích quản lý nhân thân của một cá nhân. Khoản 1 Điều 3 dự thảo "Căn cước là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người". Theo đó, căn cước đã bao gồm toàn bộ các thông tin để quản lý cá nhân toàn diện, bao hàm cả thông tin về cư trú.

"Theo tôi, nên cân nhắc liên thông, tích hợp 3 cơ sở dữ liệu nói trên thành một hệ thống cơ sở dữ liệu để tập trung đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, tránh gây lãng phí ngân sách, nguồn lực, đồng thời cũng thuận tiện trong quá trình khai thác và sử dụng" - bà Nga nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội

Bà Nga đề nghị, nên phân cấp, phân quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước về cho cơ quan công an cấp tỉnh đối với công dân Việt Nam để hạn chế thời gian, chi phí trong quá trình cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân; đồng thời giảm bớt áp lực cho cơ quan chịu trách nhiệm cấp thẻ căn cước công dân ở cấp Trung ương.

"Giai đoạn trước đây, việc cấp giấy chứng minh nhân dân cũng do cơ quan công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm và được thực hiện tương đối ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh điều kiện hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông hiện nay, mỗi người đều có số định danh cá nhân thì việc quản lý cấp, cấp lại, cấp đổi căn cước công dân sẽ không bị chồng chéo, hay xảy ra hiện tượng một người có nhiều số chứng minh nhân dân như trước" - bà Nga nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn