MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Đà Nẵng - phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn phù hợp để hoàn thành các mục tiêu kinh tế

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 31/10/2023 16:20

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Kinh tế đang và sẽ đối mặt nhiều khó khăn

Chiều 31.10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2023 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đây là thành tựu không thể phủ nhận, tạo đà phát triển cho đất nước trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu chỉ ra rằng, 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngoài ra, các gói chính sách của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa thành công, chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Theo đại biểu, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng, có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tới.

Theo đại biểu, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9.2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.

Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.

Đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm với gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít (đạt 781 tỉ đồng - bằng 1,95%).

Những yếu tố trên cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Do đó, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại.

Đại biểu đề nghị, cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Thắng

Đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản để giải phóng được nguồn lực từ các dự án bất động sản.

Đồng thời có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền, bảo đảm thanh khoản tốt, giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn. Đảm bảo minh bạch hóa và giảm chi phí trung gian để nhà đất trở về giá trị thật, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn