MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: T.Vương

Bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội: Phát huy tính dân chủ trong Đảng

VƯƠNG TRẦN LDO | 21/08/2020 07:50
Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, trong đó tăng cường, khuyến khích những nơi có điều kiện tiến hành bầu trực tiếp bí thư. Sau đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở vừa qua, nhiều tỉnh có sự bứt phá và thành công như Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội… Đặc biệt, phần lớn các đại hội cấp trên cơ sở tại những địa phương này đã tiến hành bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội.

Nhân sự được chọn phải có uy tín cao

Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có nêu về việc thực hiện việc bầu cử trong đại hội.

Trong đó có nêu rõ, thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Sau đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở vừa qua, nhiều tỉnh có sự bứt phá và thành công như Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội, nhất là Quảng Ninh có rất nhiều đổi mới. 

Tại tỉnh Quảng Ninh, 100% đại hội cấp cơ sở tiến hành bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy; 100% trưởng thôn, làng, khu phố được bầu làm Bí thư chi bộ; 19/20 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ tỉnh bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại đại hội với số phiếu bầu rất cao. Tỉnh Yên Bái cũng có 11/12 Đảng bộ cấp trên cơ sở bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội, 100% nhân sự do cấp ủy khóa trước chuẩn bị đều trúng cử, được đại hội tín nhiệm bầu với tỉ lệ phiếu cao. Tại Hà Nội, nhiều đại hội cấp quận, huyện cũng đã thực hiện thí điểm việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội. Nhiều người được tín nhiệm với số phiếu rất cao.

Theo ông Trần Trọng Đình - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Cầu Giấy - đại biểu trực tiếp dự Đại hội Đại biểu quận Cầu Giấy nhiệm kỳ 2020-2025, việc bầu trực tiếp Bí thư tại Quận uỷ là việc làm thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng.

“Nếu bầu trong Ban Chấp hành thì chỉ trong phạm vi hẹp. Nhưng đây bầu trong Đại hội thể hiện được sự tín nhiệm của Đại hội, của Đảng viên với bí thư” - ông Đình nói và cho rằng, việc bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội rõ ràng phát huy vai trò dân chủ của đảng viên, thể hiện sự tín nhiệm của Đảng viên, của đại biểu với chức danh bí thư của quận uỷ. Đồng thời, bí thư được bầu trực tiếp sẽ rất vinh dự nhưng cũng có trách nhiệm lớn lao.

Các địa phương khác cần mạnh dạn thực hiện

Liên quan tới việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - cho rằng, đây là thể hiện sự đề cao dân chủ trong Đảng thông qua bầu cử. Các đảng viên chính thức dự đại hội đều được tham gia bầu, không phải bầu ra Ban Chấp hành rồi ban chấp hành mới thực hiện bầu chức danh Bí thư như cũ. Qua đó, từng đảng viên được đóng góp ý kiến, có nhận thức cao và phát huy được vai trò trực tiếp của mình khi bầu chức vụ Bí thư tại đại hội. 

“Việc thí điểm bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội là một bước tiến lớn trong  sinh hoạt của Đảng, thể hiện đảng trí của Đảng ngày càng cao, năng lực làm chủ của đảng viên ngày càng ngang tầm hơn, trách nhiệm làm chủ  của họ ngày một xứng đáng hơn. Một khi dân chủ trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng là đại hội Đảng thì sản phẩm chủ yếu của đại hội đảng là văn kiện và nhân sự của Đảng sẽ có kết quả cao hơn, chất lượng hơn, chính xác hơn. Thời gian vừa qua, có nhiều địa phương tại các đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đã thực hiện rất tốt việc này” - ông Phúc nói.

Cùng trao đổi về việc này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội đã được khẳng định qua thực tế. 

Ông mong muốn không chỉ Quảng Ninh, Yên Bái hay Hà Nội, việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội sẽ được các địa phương khác trong cả nước mạnh dạn thực hiện. 

Ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền, tăng tính dân chủ

Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng,  quan điểm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội trong tình hình hiện nay là rất tốt, giúp phát huy dân chủ trong Đảng, để các đồng chí bí thư, người đứng đầu cấp ủy khẳng định được uy tín của mình trước đại hội. Ngoài ra để cho cấp trên đánh giá cán bộ và cũng khuyến khích tính chủ động cao của các đồng chí được bầu, thay đổi phương thức để đảm bảo ngày càng dân chủ của Đảng.

Để thực hiện được việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội, ông Bảo cho rằng, việc chọn cán bộ để đại hội tiến hành bầu trực tiếp là rất quan trọng. Công tác nhân sự tại các đại hội cấp trên cơ sở cần được thực hiện đúng quy trình 5 bước, đặc biệt là sàng lọc, lựa chọn được những người tiêu biểu nhất. 

Qua thực tiễn triển khai việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội ở Hà Nội, ông Bảo cho hay, những nơi nào chuẩn bị kỹ, tốt, tập trung thì đại hội sẽ bầu trực tiếp Bí thư. Nếu duy trì thực hiện việc này, sẽ ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền, tăng tính dân chủ. Những người đứng đầu cấp uỷ được bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội cũng sẽ ý thức trách nhiệm của mình, phát huy những ưu điểm, đồng thời nhìn nhận được những khuyết điểm, hạn chế và có những giải pháp hiệu quả để khắc phục. Từ đó sẽ ngày càng hoàn thiện để lãnh đạo tốt hơn trong nhiệm kỳ tới, khẳng định uy tín trước đại hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn