MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh viện tự chủ cần hoạt động như một công ty

Nhóm PV LDO | 06/01/2023 17:38

Về tự chủ bệnh viện, Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là vấn đề khó, nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh.

Cần tính đúng, tính đủ giá viện phí

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 6.1, đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định, cho rằng, dự thảo luật còn 2 vấn đề cần thảo luận, đó là giá dịch vụ khám, chữa bệnh và tự chủ bệnh viện.  

Thứ nhất, về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần phân hai luồng giá viện phí theo hai hướng. Một là giá được bảo hiểm chi trả - là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị; giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ, đây là một vấn đề rất là quan trọng, Luật cần phải nêu rõ. 

"Đây là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh, luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình", ông nói.

Thứ nữa là giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần, mà cần tuân theo quy luật của thị trường.

Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.

Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: QH 

Thứ hai, về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là vấn đề khó, nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu.

Để tự chủ, bệnh viện phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ cần tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Điều này chưa được cụ thể hoá trong luật.

Theo ông, về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn.

Thứ nhất, tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy, vô hình trung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ. 

Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Có nghĩa là người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân. 

Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH 

Về tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, dự thảo quy định các đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động, nhưng khi đọc kỹ dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện.

Để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở khám, chữa bệnh phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh.

Như vậy, năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không? Vì thế, dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị khám, chữa bệnh được tự chủ.

Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau, tuy nhiên trong dự thảo luật chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư. Như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn