MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình làm có thể đôi lúc, đôi chỗ có lúng túng, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Bí thư Hà Nội nêu lý do “đóng trước, mở sau” các hoạt động kinh tế-xã hội

Đặng Chung LDO | 21/10/2021 15:10
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với quan điểm bảo vệ bằng được thủ đô, không để dịch lây lan diện rộng, nên ngay từ đầu, thành phố luôn đặt trong trạng thái "phòng ngừa cao".

Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% vào năm 2022 là phù hợp

Tiếp tục chương nghị sự kỳ họp thứ 2, ngày 21.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng chống dịch.

Phần lớn ý kiến của đại biểu Quốc hội đều khẳng định nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương... công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Đến nay nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Nhiều hoạt động, ngành nghề kinh tế bắt đầu duy trì đà phục hồi, vì vậy hoàn toàn có thể lạc quan vào các mục tiêu tăng trưởng GDP 3% vào năm 2021, từ 6-6,5% vào năm 2022 mà Chính phủ đưa ra.

Tại tổ Hà Nội, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm 2021, đòi hỏi các cấp phải thật sự quyết liệt thì mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng này.

Về mục tiêu tăng trưởng năm 2022, với đà phục hồi hiện nay, ông Dũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% là phù hợp. Việc này phụ thuộc vào đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, phụ thuộc vào việc chúng ta mở cửa toàn diện hay không toàn diện.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội. 

Hà Nội “đóng trước, mở sau” so với các tỉnh, thành khác

Bàn cụ thể hơn về các chủ trương phòng chống dịch và mở cửa kinh tế ở thủ đô, Bí thư Hà Nội cho biết, với quan điểm bảo vệ bằng được thủ đô, không để dịch lây lan diện rộng, nên ngay từ ngày đầu thành phố luôn đặt trong trạng thái phòng ngừa cao. Hà Nội không để F0, F1 tại nhà mà đưa đi cách ly tập trung để luôn ở thế chủ động. Nhờ đó mà đã xử lý nhanh và tốt với ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Cũng với phương châm bảo vệ bằng được thủ đô, nên trong vấn đề mở cửa kinh tế, Hà Nội chủ trương “đóng trước, mở sau” so với các tỉnh, thành khác, để bảo vệ sức khỏe người dân.

Cũng theo Bí thư Thành uỷ, đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, vì vậy trong quá trình làm có thể đôi lúc, đôi chỗ có lúng túng, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đơn cử như vấn đề giấy đi đường, tuy nhiên việc này cũng là bình thường.

“Mục tiêu cuối cùng là vì trật tự an toàn xã hội của thủ đô, vì sức khoẻ người dân”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Theo đuổi chiến lược vaccine cho toàn dân

Về giải pháp để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố theo đuổi chiến lược vaccine cho toàn dân.

“Thành ủy, thường trực đã họp bàn về vấn đề này. Nỗi lo bên này là phải bảo vệ thành quả chống dịch, nỗi lo bên kia là phải thúc đẩy, phục hồi kinh tế. Một trong những chủ trương để thực hiện việc này là phải có vaccine toàn dân, mũi 1 đã tiêm rồi thì phải được tiêm mũi 2”- ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Bí Thư Thành ủy Hà Nội cũng thông tin, đến nay, thành phố đã tiến hành tiêm cho 98% người từ 18 tuổi trở lên, 2% còn lại khoảng 120.000 người đa số là người có bệnh nền. Tuy nhiên tới đây, khi mở trường học, sẽ khoảng 1 triệu sinh viên và những người từ các địa phương khác quay trở về Hà Nội học tập, lao động, nhiều người trong số này chưa được tiêm.

Ngoài ra còn có 2,1 triệu học sinh thủ đô cũng chưa được tiêm, chưa kể đối tượng trẻ dưới 6 tuổi.  “Vì vậy, vấn đề vaccine cho toàn dân, bao gồm chủ trương, nguồn cung, bố trí nguồn lực trong năm 2022 là rất quan trọng”, Bí thư Thành uỷ nói thêm.

Lãnh đạo Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, Hà Nội như bình thông nhau với cả nước, vì vậy nếu không kiểm soát, chặt chẽ sẽ rất khó phòng chống dịch. 

Thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, giải pháp tốt nhất phải là từ cơ sở, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân. Cùng với đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền song song với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch để tạo sức răn đe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn