MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn

Biến khó khăn thành cơ hội chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Vương Trần LDO | 17/02/2021 06:41
Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải lượng giấy phải sử dụng làm hồ sơ, tiết kiệm chi phí lưu trữ.

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều Bộ, ngành đã chuyển các hình thức hội họp trực tiếp sang trực tuyến, nhiều trường học đã chuyển đổi thích ứng cho học sinh học trực tuyến. Nhiều địa phương cũng đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Cụ thể như UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến bảo đảm chất lượng, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp qua môi trường điện tử.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải rà soát, đánh giá chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến các dịch vụ công gồm: Thông báo hoạt động khuyến mại; đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, tránh để tình trạng chậm tiếp nhận giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Hay UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải lượng giấy phải sử dụng làm hồ sơ, tiết kiệm chi phí lưu trữ.

Đây cũng là bước ngoặt trong việc tiến tới số hóa dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Vượt, muốn thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thì cần sự nỗ lực lớn từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tích hợp, đồng bộ các thông tin mới có thể vận hành được.

Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động trong việc cài đặt, hướng dẫn người dân sử dụng cụ thể, rõ ràng để áp dụng thì dần dần mới thay thế được tình trạng “cứ phải đến công sở” mới giải quyết được dịch vụ công.

Ở góc độ đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, để thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử cần có những quy định về việc chứng minh tính chính danh của người thực hiện; tính chính xác, hợp pháp của tài liệu; việc công nhận và sử dụng lại kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử; hỗ trợ lưu trữ thông tin trên hệ thống Cổng dịch vụ công.

Điều này dẫn đến tâm lý yên tâm hơn cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch.

“Như vừa qua, việc đăng ký cấp lại giấy phép lái xe, việc đăng ký khai sinh hay nộp phạt giao thông, người dân có thể ngồi nhà mà vẫn có thể thực hiện được các dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Việc này giúp giảm được thời gian đi lại, bớt phiền hà, tránh được tình trạng nhũng nhiễu và tiết kiệm cho cả người dân lẫn nhà nước.

Như vậy, tiến tới những dịch vụ công khác cũng cần được tích hợp để người dân ngày càng có thể sử dụng nhiều hơn để tiết kiệm chi phí, giảm bớt thời gian đi lại” – ông Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn