MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định về bỏ biên chế suốt đời với viên chức sẽ được thực hiện từ 1.7.2020. Ảnh Hải Nguyễn

Bỏ biên chế suốt đời: Có lo ngại lạm quyền trong đánh giá viên chức?

Vương Trần LDO | 30/06/2020 15:05

Quy định bỏ biên chế suốt đời với viên chức được thực hiện từ 1.7.2020 với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là "ấm chân" đến già.

Kể từ 1.7.2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, sẽ thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức. Điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời”.

Trao đổi với PV Lao Động về điều này, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, đây là một bước quan trọng trong công tác quản lý cũng như đánh giá cán bộ. Đồng thời, chính sách này là một động lực quan trọng để các đơn vị sự nghiệp công chuyển dần sang dạng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

“Nguyên tắc của khu vực công và tư là sự cạnh tranh. Sẽ có chính sách để viên chức không phải sống bằng lương mà bằng thu nhập từ các sản phẩm nghề nghiệp của họ. Như vậy sẽ huy động được tinh thần phục vụ, trách nhiệm của viên chức và vẫn thu hút họ” - ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh và cho rằng, điều này sẽ giảm đi sức ì trong khu vực viên chức.

Cùng trao đổi về việc này, vị lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng đây là một bước thay đổi trong phương thức quản lý. Đồng thời, việc này cũng tạo một cơ chế linh hoạt cho cả lao động và người sử dụng lao động. Đơn vị nào có chế độ đãi ngộ tốt hơn sẽ thu hút nhiều người tài năng hơn. Ngược lại, người lao động cũng phải luôn cố gắng để đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Việc bỏ biên chế viên chức suốt đời, thay đổi từ cơ chế hợp đồng không xác định thời hạn sang hợp đồng xác định thời hạn trước tiên sẽ tạo sự linh hoạt và tạo động lực để viên chức luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình chứ không có tâm lý “trì trệ”. 

Như vậy sẽ giảm bớt được sức ì, tăng cao được năng suất lao động. Đồng thời, việc này cũng để tiến tới xác lập các vị trí việc làm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc trên vị trí đó. Việc này cũng tiến tới là cơ sở để đảm bảo thu nhập tốt hơn đối với viên chức. Viên chức mà hoàn thành tốt các công việc của mình thì cũng không có gì phải lo lắng” - vị này nói.

Theo lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), khi thực hiện bỏ viên chức suốt đời thay bằng hợp đồng xác định thời hạn cũng đặt ra vấn đề phải đánh giá chuẩn xác về mức độ hoàn thành công việc của viên chức, để từ đó xem xét ký tiếp hợp đồng. 

Công việc phải xuất phát từ vị trí việc làm. Sau đó từng cơ quan, tổ chức phải xác định được bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc như hệ đánh giá KPI để xác định cụ thể.

Trước việc lo ngại phát sinh thủ tục hành chính, lo ngại về việc thủ trưởng đơn vị lạm quyền, vị lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức cũng cho biết, Luật đã nâng mức thời hạn hợp đồng tối đa từ 36 tháng lên tới 60 tháng. Đồng thời, Trong Luật quy định rõ, trường hợp còn nhu cầu về vị trí việc làm và viên chức được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ thì phải tiếp tục ký hợp đồng với viên chức đó. Trong trường hợp này không được chấm dứt hợp đồng với viên chức đó để tuyển một nhân sự khác.

Liên quan tới lo ngại thủ trưởng các đơn vị sẽ nắm quyền sinh quyền sát trong việc sa thải người lao động, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Nhà nước có cơ chế, công cụ để giám sát, kiểm soát, đâu có thể muốn làm gì thì làm. Và quá trình chuyển đổi sẽ có những bước đi, quy trình, chứ không phải tuyên bố một văn bản là xong.

"Luật cũng đã quy định rất rõ những điều khoản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu viên chức làm tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không có gì phải lo lắng" - ông Thang Văn Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn