MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ vọng việc bỏ biên chế suốt đời với viên chức sẽ tạo động lực tăng năng suất lao động, giảm sức ì. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Bỏ biên chế suốt đời: Xoá tư duy đã vào nhà nước là “ấm chân đến già”

VƯƠNG TRẦN LDO | 29/06/2020 15:45
Quy định về bỏ biên chế suốt đời với viên chức được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng trây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm.

Kể từ 1.7.2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, sẽ thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức. Điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời”

Trước thông tin về việc từ 1.7.2020 sẽ bỏ biên chế suốt đời với viên chức thay vào đó bằng chế độ hợp đồng xác định thời hạn, bác sĩ Nguyễn Văn Minh (SN 1994, hiện đang làm việc ở 1 bệnh viện tại Hà Nội) cho đây là cơ hội để thực hiện việc trả lương tương xứng theo vị trí, chất lượng công việc. 

“Tuy nhiên, để thực hiện việc này thì quá trình đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đơn vị, tổ chức phải thực sự khách quan, công tâm để bảo vệ được các quyền lợi chính đáng cho viên chức, người lao động hoàn thành nhiệm vụ” - bác sĩ Minh nêu quan điểm.

Liên quan tới công việc trong ngành y tế, bác sỹ Minh cho hay, sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên thường có những ngã rẽ, những lựa chọn khác nhau trong công việc. Có nhiều người chọn cách thi tuyển hoặc xin làm việc trong khu vực nhà nước, có người lại chọn cách làm việc ở môi trường bên ngoài. Điều này còn phụ thuộc vào sở thích, khả năng của từng người. 

“Với cuộc sống hiện đại, cơ hội việc làm mở cho mọi người những hướng đi khác nhau. Với những người thực sự có năng lực thì họ sẽ không quá khó khăn để tìm việc làm” - bác sĩ Minh nói.

Cùng trao đổi với PV về việc này, cô giáo Trần Thị Liên (Vĩnh Phúc) cho hay, trước đây có nhiều người suy nghĩ trở thành viên chức để được “biên chế” suốt đời, yên tâm cho quá trình công tác hơn. 

Với chính sách mới về việc xoá bỏ “biên chế suốt đời” với viên chức, thay bằng việc hợp đồng lao động có thời hạn thì rõ ràng viên chức trong quá trình làm việc của mình sẽ phải luôn cố gắng. Và nếu quá trình làm việc đáp ứng được yêu cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cũng không có nhiều điều phải lo lắng.

“Quy định này cũng khiến cho giáo viên sẽ phải liên tục rèn luyện để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, quy định này cũng sẽ hạn chế được việc tuyển dụng người nhà, người thân vào biên chế sẽ được “ấm chân đến già”.

Theo quy định này, viên chức phải hoàn thành được nhiệm vụ, phải có năng lực mới có thể tiếp tục được gia hạn hợp đồng. Còn những người vào viên chức theo lối “cửa sau”, theo quan hệ mà không có năng lực thì cũng sẽ khó tồn tại được” - chị Liên nói.

Tuy nhiên, cô giáo Liên cũng cho rằng nhiều người có những lo lắng về việc đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ đối với viên chức của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Quy định này chỉ có thể đi vào thực tế, phát huy được tính tích cực khi việc đánh giá viên chức một cách khách quan, công tâm, dựa trên kết quả hoàn thành công việc. 

Từ 1.7.2020 sẽ chỉ còn 3 trường hợp viên chức được hưởng “biên chế suốt đời”:

Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020;

Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1.7.2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn