MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: Anh Phú

Bộ Công Thương: Tinh giản biên chế khó vẫn phải làm, không nể nang

Cường Ngô - Lan Hương - Anh Phú LDO | 11/07/2018 11:23
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, khi sắp xếp lại bộ máy nhân sự, Bộ Công Thương không nể nang người này, người kia để giữ lại những vị trí không phù hợp với công việc chung. Bộ làm việc công tâm, thẳng thắn, không ngại va chạm.

"Nhiều người đang là lãnh đạo, giờ không làm nữa"

Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương sáng 11.7, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, Bộ đã thực hiện rất quyết liệt việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giấy phép con.

Theo ông Đông, có nhiều người đang giữ vị trí lãnh đạo trong Bộ Công Thương nhưng giờ không giữ nữa vì Bộ thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy nhân sự. Bộ không nể nang người này, người kia để giữ lại những vị trí không phù hợp với công việc chung. Bộ làm việc công tâm, thẳng thắn, không ngại va chạm.

Thời gian qua, Bộ Công Thương chủ trương cắt giảm 600 điều kiện kinh doanh. Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con được Bộ thực hiện quyết liệt, không ngại khó.

Trả lời câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, Bộ Công Thương còn băn khoăn, trăn trở gì, ông Trần Duy Đông cho biết, đó là trăn trở về hệ thống phát triển hạ tầng thương mại trong nước.

Theo ông Đông, những năm qua, thương mại nội địa tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho người dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Giai đoạn từ 2006-2018, dù ngân sách đầu tư không đáng kể nhưng đóng góp bình quân của thương mại nội địa trong GDP đạt trên 10%, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Duy Đông cho rằng, công tác phát triển hạ tầng thương mại còn một số tồn tại, hạn chế như chưa theo kịp với thực tiễn và tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Tại một số địa phương, một số quy hoạch còn mang tính định hướng, chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Anh Phú

Việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh…) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Còn ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít. Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm Logistic, kho chứa hàng hóa (bao gồm cả kho lạnh) chưa theo kịp với nhu cầu phát triển.

"Yếu tố con người là khó khăn nhất"

Còn ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, vấn đề băn khoăn trăn trở với ngành Công Thương là trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, yếu tố con người là khó khăn nhất.

Để có bộ máy tinh thông nghiệp vụ nhưng có phẩm chất, việc xác định người đứng đầu rất quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thì doanh nghiệp nhà nước không còn chi phối, tỉ lệ sở hữu dưới 51%. Ví dụ trường hợp Sabeco, khi ông chủ nước ngoài chiếm trên 51% thì vai trò của tổ chức Đảng gặp khó khăn.

"Làm thế nào nâng cao vai trò của tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu dưới 51% cổ phần là điều mà tôi rất trăn trở, bởi sắp tới một số đơn vị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa", ông Cường cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn