MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại chốt kiểm tra bản Rằn, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, người dân ra vào đều phải xuất trình căn cước công dân.

Bộ đội Biên phòng trên tuyến đầu chống dịch

V.Dũng - Ph.Đông LDO | 27/03/2020 15:17
Với đường biên giới giáp với Trung Quốc dài hơn 231km, cùng với các lực lượng khác, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn lập hàng chục chốt kiểm soát xuất nhập cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Chiến sĩ ăn, ngủ tại chỗ để căng mình phòng, chống dịch từ nhiều tháng nay.

Lập chốt, lán ven rừng ở vùng biên

Đồn Biên phòng Ba Sơn (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) thuộc xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc là khu vực có đường biên giáp với Trung Quốc hơn 40km, dài nhất trong số 11 đồn của tỉnh Lạng Sơn.

Ngay từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã lập nhiều lán chốt chặn, lán cách ly tạm thời. Cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng bổ sung học viên của Học viện Biên phòng, Đồn Ba Sơn, chia theo lán.

Theo ghi nhận của Lao Động, lúc 23h ngày 25.3, tại lán, chốt Pá Cuồng (xã Cao Lâu - nơi tiếp giáp với huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc), trung tá Hoàng Văn Toán cùng đồng đội là thiếu tá Nông Văn Tấn (chiến sĩ thuộc Đồn Ba Sơn) chia nhau người ngủ - người đi tuần tra.

Đi vội đôi ủng, tay cầm chiếc đèn pin, trung tá Toán lội qua đoạn đường đất nhão do cơn mưa buổi chiều tối tạo nên. Khác với ban ngày khi nắng, nóng như đốt xuống chiếc lán, đến nỗi các anh phải cắt cỏ tranh để lợp lên, thì buổi tối, trời trở nên lạnh.

“Thời tiết đêm nay còn đỡ lạnh. Tháng trước, tại lán còn có mưa đá trút xuống”, trung tá Toán chia sẻ trong lúc cầm đèn pin soi qua đoạn đường ven núi, gập ghềnh đá, trơn trượt. Thỉnh thoảng, trung tá dừng lại, dọi đèn pin ra xa, ánh mắt chăm chú. Sau gần một tiếng tuần tra, trở về lán trại, trung tá Toán cho hay, đêm nay “yên tĩnh”. Song anh vẫn phải ngồi tại lán để trực tới khi đồng đội thay ca. Tại lán trực chiếc đèn pin trở thành nguồn điện, soi sáng giữa khoảng tối mênh mông.

Lán Pá Cuồng gần Đồn Biên phòng Ba Sơn nhất cũng hơn 3km, còn những chốt lán khác cách cả chục km đường đồi núi, như chốt Pò Nhùng (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc - tiếp giáp với Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc).

Sáng 26.3, trao đổi với Lao Động, Trung tá Trần Tiến Vinh, chỉ huy tại chốt Pò Nhùng cho hay, địa hình nơi này khá phức tạp nên chốt được tăng cường thêm chó nghiệp vụ để cùng cán bộ đi tuần tra. Theo trung tá Vinh, khoảng 2 tháng trước, chốt chặn và các lán đã thu dung rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch. Những trường hợp này đều được trao trả hoặc yêu cầu quay trở lại Trung Quốc. Những trường hợp được phía Trung Quốc bàn giao, lực lượng thực hiện các biện pháp cách ly tại chỗ, sau đó đưa đi các điểm cách ly.

Chỉ vào đàn gà phía sau chốt và luống đất mới cuốc, đập xong, trung tá Vinh cho hay, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, còn lâu dài nên cán bộ canh tác, chăn nuôi tại chỗ. “Đường sá xa xôi, việc đưa lương thực gặp khó khăn”, chỉ huy chốt Pà Nhùng chia sẻ. Cũng theo trung tá Vinh, bữa ăn vội hàng ngày tại lán trại của các anh thường là gói mỳ tôm. Thực phẩm gồm gạo, dầu ăn, nước mắm được chuyển từ đồn ra. Quý các anh thỉnh thoảng, bà con dân bản đi qua, mò được con cua, con ốc lại qua biếu tại lán.

Nói về “các anh bộ đội biên phòng”, lập lán, ăn ngủ giữa rừng, núi, anh Chu Văn Nắng (thôn Đội trưởng thôn Nà Va, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) cho hay rất cảm kích các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng. “Bộ đội đã làm tốt chống dịch nên bà con mừng lắm”, anh Nắng chia sẻ.

Bám sát dân, cùng phòng chống dịch COVID-19

Chia sẻ với Lao Động, trung tá Lều Minh Tiến - Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Ba Sơn cho biết, đơn vị đã phối hợp với dân quân, công an 3 xã triển khai công tác tuần tra, ngoài ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép nhằm kiểm soát dịch bệnh, các lực lượng còn đấu tranh với hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa, mua bán ma túy…

Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc và số người dân trên địa bàn đi Trung Quốc lao động, làm thuê (về trước Tết hoặc chưa về). Từ đó đề nghị địa phương theo dõi, quản lý, có biện pháp cách ly tại cộng đồng (nhà riêng).

Ngoài ra, lực lượng biên phòng cũng tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ xuống từng thôn, gia đình người dân vận động và phát động phong trào toàn dân chống dịch. Đồn cũng triển khai in và dán số điện thoại đường dây nóng của đồn tại các điểm, vị trí tập trung đông người... Nhờ kiểm soát, tuần tra thường xuyên, từ ngày 31.1 đến ngày 25.3, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã phát hiện, thu dung 47 vụ, 398 công dân Việt Nam (nam 174, nữ 170) nhập cảnh trái phép là lao động, làm thuê tự về Việt Nam qua các đường mòn biên giới. Những người này đều phải cách ly 14 ngày theo quy định.

Theo trung tá Tiến, công việc bộn bề nên hầu hết cán bộ của Đồn đến nay chưa có điều kiện về thăm gia đình. “Đến nay, Lạng Sơn là tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 nào”, trung tá Tiến phấn khởi.

Theo trung tá Nguyễn Xuân Thanh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, từ khi có dịch bệnh COVID-19, 2 cửa khẩu quốc tế chính, 9 cửa khẩu phụ đã tạm dừng và hạn chế xuất cảnh cho các công dân. Khu vực cách ly là Trung đoàn 123, Trường quân sự tỉnh và Đại đội ở Mai Pha. Đến nay, các đồn biên phòng thu dung 157 vụ xuất nhập cảnh trái phép (gồm 733 người Việt Nam và 5 công dân Campuchia). Lực lượng biên phòng cũng kiểm tra, phát hiện 32 vụ xuất lậu, thu giữ hơn 391.000 chiếc khẩu trang y tế, hơn 14.000 đôi găng tay…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn