MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho rằng gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 cần có người chịu trách nhiệm với nhân dân. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ GDĐT cần tìm ra những kẽ hở trong khâu chấm thi

C.Nguyên - Đ.Chung - T.Trung LDO | 30/05/2019 15:32

Một số đại biểu quốc hội cho rằng những sai phạm trong kỳ thi năm 2018 vừa qua xuất phát từ lỗi quy trình, và Bộ GD ĐT cần chỉ ra người chịu trách nhiệm trước việc này.

Lỗi quy trình

Ngày 30.5, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) nhấn mạnh sự quan tâm tới vấn đề gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La.

Theo đại biểu này, vấn đề gian lận thi cử tiếp tục làm cử tri bức xúc, cử tri cũng theo dõi và mong Bộ GDĐT xử lý nghiêm những sai phạm trong kỳ thi năm 2018 và phải chỉ ra người chịu trách nhiệm cụ thể.

Vị đài biểu Đoàn An Giang cũng cho rằng, sai phạm ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 lỗi không hoàn toàn chỉ do địa phương, về việc này, đại biểu đề nghị Bộ GDĐT cần tìm ra những kẽ hở trong khâu chấm thi tự luận, trắc nghiệm để tránh xảy ra việc gian lận như kỳ thi năm ngoái.

Ngoài ra, đại biểu Lân Hiếu cho rằng, những sai phạm trong kỳ thi năm 2018 là lỗi quy trình và "rất cần những người chịu trách nhiệm với nhân dân". Vì chỉ có như vậy trong tương lai mới có được những kỳ thi công bằng, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri phàn nàn về chất lượng giáo dục hiện nay. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng góp ý về vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri phàn nàn về chất lượng giáo dục và hiện tượng "mua bán" chứng chỉ thời gian qua.

Băn khoăn về chất lượng đào tạo nghề

Cùng góp ý về giáo dục, đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hoá) cho biết, việc phân luồng giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm qua số liệu trên báo cáo đều thấy "tỉ lệ đẹp" nhưng thực tế lao động nông dân, dân tộc thiểu số được đào tạo chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng kèm cặp kiến thức dưới 3 tháng.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hoá). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu này đánh giá, nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề nhưng không ít trong số đó là đào tạo qua loa, lý thuyết không gắn với thực hành, đào tạo không đi liền với sử dụng. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi đạt trình độ trung cấp chỉ là 2,5%, cao đẳng trở lên là 2,9%, đây là điểm đáng suy nghĩ.

Nếu tính trung bình những năm gần đây ở vùng dân tộc thiểu số mỗi năm có khoảng trên 400.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó có khoảng 130.000 học sinh người dân tộc thiểu số.

"Phần lớn các em lại trở về bơ vơ giữa bản làng với công việc lao động chân tay đơn thuần, đối diện với nguy cơ nghèo đói và tệ nạn xã hội rình rập", đại biểu Xuân nói và đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của vùng dân tộc thiểu số có cơ hội được đào tạo nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn