MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá sách giáo khoa mới sẽ tăng khoảng 3,5 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Ảnh minh hoạ: LDO

Bộ GDĐT lý giải vì sao giá sách giáo khoa mới "đắt hơn" sách giáo khoa cũ

Vương Trần LDO | 01/07/2020 17:23

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân giá sách giáo khoa mới tăng hơn so với sách giáo khoa cũ là do thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành.

Ngày 1.7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp tổng kết đánh giá kết quả công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2020 và định hướng công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo điều hành giá

Tại cuộc họp, một số ý kiến nêu phản ánh về về việc giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách cũ.

Lý giải về việc này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân là thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành. 

Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in màu, chất lượng tốt hơn. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ quan này đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất. Qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu.

Với những đối tượng an sinh xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, được cấp phát sách giáo khoa miễn phí. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy có một số bất cập, vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. 

Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sẽ tách ra “nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ, ví dụ như khâu biên soạn sách giáo khoa”.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn