MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại họp báo. Ảnh: P.Đông

Bộ GDĐT nói về thông tin "ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10"

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 29/04/2022 17:28

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, sau khi có thông tin xôn xao dự luận "ép" học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10, Bộ đã chỉ đạo ngay Sở GDĐT TP.Hà Nội rà soát, xác minh, làm rõ. 

Chiều 29.4, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2022, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi: Thời gian qua dư luận xôn xao việc trường học ép học sinh lớp 9 có thành tích kém chuyển trường hoặc không thi vào lớp 10. Bộ GDĐT có biện pháp cụ thể nào để giải quyết sự việc này, nhằm ổn định tâm lý cho học sinh ở giai đoạn chuyển cấp quan trọng và giải toả bức xúc của các phụ huynh?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sau khi được biết thông tin có trường học ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10, đã chỉ đạo ngay Sở GDĐT TP. Hà Nội rà soát, xác minh, làm rõ nội dung thông tin. 

“Phòng GDĐT sau đó đã trực tiếp rà soát và làm việc với phụ huynh học sinh để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, theo báo cáo xác minh của Phòng GDĐT, tại nhà trường không có hiện tượng như vậy" - Thứ trưởng Độ nói và cho rằng, việc này có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các nhà trường. Do đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 08 ngày 27.4 về việc tăng cường triển khai chấn chỉnh công tác thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10.

Đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định, công tác tuyển sinh được đảm bảo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và trong trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Về phía Bộ GDĐT, từ 12.2017, đã ban hành công văn số 6122 để khắc phục “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục, trong đó, nhấn mạnh đến công tác quản lý thi cử và đào tạo thực chất.

Bộ GDĐT trong thời gian tới sẽ tiếp tục ban hành các văn bản yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm túc công văn 6122. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất, nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển, xét tốt nghiệp THCS…

Cùng với đó, làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường để đạt mục tiêu thực chất, chứ không phải là hình thức để tránh thông tin như thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, công tác hướng nghiệp là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, hướng tới sau năm 2020, thực hiện bắt buộc giáo dục 9 năm, sau đó đến lớp 10 là phân bổ hướng nghiệp.

Theo đó, cần tăng cường thanh tra kiểm tra tại các đơn vị trong thực hiện công tác hướng nghiệp để phát hiện sai phạm và có phương hướng xử lý.

Thực tế, theo ghi nhận và phản ánh của Báo Lao Động, trong nhiều mùa tuyển sinh, đều có tình trạng học sinh có học lực trung bình bị ép không được thi vào lớp 10 ở Hà Nội và một số địa phương. Phóng viên Lao Động cũng đã chứng kiến cảnh những ông bố, bà mẹ gạt nước mắt, đành chấp nhận ký vào lá đơn xin tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn