MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ Giao thông vận tải đã trình phương án tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 04/07/2022 21:06

Bộ Giao thông vận tải đã trình phương án án tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được các bộ ngành khác như: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan làm việc và cho ý kiến với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình rà soát để trình Chính phủ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (4.7), báo chí đặt câu hỏi về đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

"Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này? Việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về việc này đã được thực hiện ra sao, kết quả như thế nào?" - báo chí đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Trước hết khẳng định, đề án này nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như các bộ ngành khác, trong nhiệm kỳ mới rà soát lại cơ cấu tổ chức, chức năng bộ máy và trình lại để có điều chỉnh những văn bản pháp luật về nội dung quy định có liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ ngành đó.

Bộ Giao thông vận tải đã trình và được các bộ ngành khác như: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan làm việc và cho ý kiến với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình rà soát để trình Chính phủ.

Hiện tại, nếu được xem xét quyết định thì sẽ nghiêm túc thực hiện theo phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đông cho biết, theo chủ trương chung của Đảng, phải rà soát các đầu mối của đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết 18, 19.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Phạm Đông

Thứ trưởng Đông cho hay, trong nhiệm kỳ mới, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện việc rà soát này và đã thu gọn các đầu mối. Đặc biệt là một số vụ có chức năng tương đối tương đồng, bộ đã đề xuất ghép để đảm bảo tập trung cho quản lý và cũng để giảm các đầu mối.

Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua quá trình rà soát, so sánh với các tiêu chí của một tổng cục thì Tổng cục chưa đáp ứng được tất cả tiêu chí. Có đề xuất là không duy trì Tổng cục mà xây dựng là một cục tương tự như các cục quản lý chuyên ngành khác của ngành Giao thông vận tải.

"Chúng ta đều biết là ngành Giao thông vận tải có 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải. Và Cục Đường bộ từ Tổng cục Đường bộ vẫn là cục chuyên ngành" - ông Đông nói.

Thứ trưởng Đông cho biết, trong quy trình đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất, sau đó lên Đảng bộ xem xét, sau các cơ quan liên quan xem xét hình thành một cục nhưng đó không phải là cục chuyên ngành mà là cục chuyên trách về lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc và khai thác đường cao tốc. Còn Cục quản lý nhà nước về đường bộ vẫn là Cục Đường bộ Việt Nam.

"Đó là cơ sở đâu để đề xuất như thế. Với một định hướng theo quy hoạch, Nghị quyết 13 của Đảng xác định đến năm 2030, đầu tư, khai thác 5.000 km đường cao tốc. Rồi theo quy hoạch chung của đường bộ, cao tốc ở Việt Nam lâu dài, chắc khoảng độ 9.000-10.000 km" - ông Đông nói. Và ông Đông cho biết, đó là đề xuất của Bộ GTVT trên cơ sở có những định hướng cho phát triển, quản lý khai thác đường cao tốc.

"Chúng tôi khẳng định cái này được Chính phủ xem xét và quyết định thế nào, bộ sẽ theo thế đó" - ông Đông nói.

Cùng giải đáp nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ nhiệm Trần Văn Sơn: Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã nói rõ các căn cứ: Căn cứ vào các Nghị quyết 18, 19, các Kết luận 74 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 56 của Quốc hội, tiếp tục cải tổ bộ máy tổ chức hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Nghị quyết 101 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123, trong đó quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó nói rất rõ về tiêu chí các tổng cục.

Các tổng cục phải có quản lý nhà nước về chuyên ngành, những lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng với phát triển kinh tế xã hội. Trong này quy định rất nhiều tiêu chí, chuyên ngành về những lĩnh vực cần được tập trung thống nhất ở Trung ương, được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định một số vấn đề phù hợp phạm vi quản lý nhà nước về các chuyên ngành, lĩnh vực đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn