MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bỏ hay giữ giá trần, giá sàn vé máy bay?

NHÓM PV LDO | 23/05/2023 17:41
Có ý kiến nhận định: Bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải; song cũng có ý kiến cho rằng giữ giá trần vé máy bay để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp.

Không có vé máy bay giá 0 đồng

Chiều 23.5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Có ý kiến đề nghị cần xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với các quy định tại pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá khi có hãng hàng không định "mức giá 0 đồng".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành thì các chính sách về chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với thương mại quốc tế (giữa các quốc gia). Do vậy, không có mối quan hệ với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Về mối quan hệ giữa Luật Giá với Luật Cạnh tranh khi có hãng hàng không định "mức giá 0 đồng", thực chất, không có vé máy bay giá "0 đồng" vì Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho một vé máy bay, theo đó phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định.

"Mức giá 0 đồng" là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá "vé 0 đồng" như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.

Dự thảo Luật quy định nguyên tắc định giá phải: "Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lí, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường".

Thực tế, các hãng hàng không đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay.

Mặt khác, để xác định hãng hàng không có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì phải căn cứ trên toàn bộ chi phí của từng chuyến bay và mức giá bình quân vé máy bay, không phải chỉ tính trên các mức giá vé đơn lẻ.

Đây là vấn đề thuộc khâu tổ chức thực hiện. Như vậy, pháp luật về giá và dự thảo luật thể hiện rõ quan điểm không cho phép các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không mâu thuẫn với Luật Cạnh tranh.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Bỏ giá trần, giá sàn để tạo cạnh tranh lành mạnh

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) giữ quan điểm đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay nội địa. Theo vị đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương.

"Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác như vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, đồng thời đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia", ông Hạ nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, bởi tỷ trọng vận tải hàng không nội địa thấp hơn nhiều so với vận tải đường bộ hiện nay. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải.

"Về thực tiễn, theo tính toán của Cục Hàng không, giá nhiên liệu đã gây sức ép đối với các hãng hàng không, đặc biệt trong năm 2022 làm tổng chi phí tăng cao. Do đó, vấn đề giá vé máy bay cao trong giai đoạn cao điểm phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu", ông Hạ nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đồng ý với quan điểm giữ giá trần vé máy bay để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không.

"Tuy nhiên, trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau", ông nói.

Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá.

Còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn