MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: T.Vương

Bỏ mức lương cơ sở, thiết lập chế độ tiền lương mới cần nguồn lực rất lớn

Vương Trần LDO | 18/06/2023 16:59

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để thực hiện chế độ tiền lương mới, trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cần nguồn lực lớn, đồng thời cần xây dựng chính sách rất chi tiết và khoa học.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Về nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 (Hội nghị lần thứ 7 Trung ương khoá XII), bà Nguyễn Bích Thu - Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) thông tin, hiện nay Bộ Nội vụ đang xây dựng báo cáo về lộ trình cải cách tiền lương và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước sẽ họp và cho ý kiến vào báo cáo này và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Người dân đến công sở ở Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nhìn nhận, việc cải cách tiền lương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Bởi tiền lương đi kèm với chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động.

Theo ông Dĩnh, mức tiền lương qua các năm cũng đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa được cải cách một cách tổng thể theo yêu cầu của Nghị quyết 27 Trung ương.

“Chúng ta theo lộ trình cố gắng tăng mức lương cơ sở, tăng mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng còn hạn chế, đời sống của người lao động chưa thực sự đảm bảo. Và điều này cũng dẫn tới năng suất lao động so với khu vực và trên thế giới vẫn còn thấp” - ông Dĩnh nói.

Ông Dĩnh cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cũng có đặt mục tiêu xem xét, quyết định cải cách tiền lương sau năm 2023 vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được việc cải cách tiền lương, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức.

“Do vậy, để thực hiện được chủ trương, chính sách tiền lương đã đề ra thì trong thời gian tới, chúng ta phải có quyết tâm chính trị, thực hiện bằng được. Người lao động kể cả cán bộ, công chức, viên chức ở khu vực công cũng như người lao động ở doanh nghiệp rất mong muốn cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống” - ông Dĩnh nêu.

Theo ông Dĩnh, để thực hiện việc cải cách tiền lương thì cần phải sớm xây dựng được việc trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo và theo nguyên tắc tiền lương cơ bản chiếm 70% còn phần phụ cấp không quá 30%. Đối với khu vực doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu cho người lao động trong thời gian tới.

Do vậy, để thực hiện cải cách tiền lương một cách tổng thể, chúng ta cần phải nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, chuẩn bị nguồn lực lâu dài và tạo ra được sự thay đổi rõ rệt về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức.

“Việc này liên quan tới nguồn lực, chế độ chính sách toàn mới. Bỏ lương cơ sở và hệ số, trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương cần nguồn lực lớn, xây dựng chính sách chi tiết và khoa học. Đồng thời cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Bởi nguồn ngân sách chi trả cho trả lương là rất lớn” - ông Dĩnh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn