MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ Ngoại giao xác minh vụ chủ Trung Quốc nhốt lao động Việt Nam ở Serbia

Phương Linh LDO | 18/11/2021 18:20

Bộ Ngoại giao cho biết, theo thông tin ban đầu, không có chuyện người lao động Việt Nam ở Serbia bị hành hung hay đánh đập.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 18.11, trước yêu cầu làm rõ vụ việc báo chí đưa tin lao động Việt Nam bị chủ lao động Trung Quốc ở Serbia bắt nhốt trái với ý muốn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia.

Theo lời người phát ngôn: "Đại sứ quán cho biết đã nhận được một số thông tin trên báo chí Serbia và đang nỗ lực xác minh thông tin, liên hệ với các công ty tại Serbia và các công ty phái cử lao động cùng cơ quan liên quan sở tại. Thông tin ban đầu cho hay, không có chuyện hành hung hay đánh đập".

Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo đại sứ quán tiếp tục nắm thông tin và theo sát tình hình, liên hệ cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, có các hành động cần thiết để bảo vệ và bảo đảm an toàn, quyền lợi của người lao động Việt tại Serbia.

 Bài báo đưa tin vụ việc lao động Việt Nam làm việc cho công trường xây dựng nhà máy của công ty Trung Quốc ở Serbia bị nhốt trái với ý muốn. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, ngày 16.11, trang BalkanInsight.com đã đăng tải các bài viết có nội dung về 500 công nhân Việt Nam đang làm việc cho công trường xây dựng nhà máy của một công ty Trung Quốc ở thành phố Zrenjanin của Serbia. Bài viết dẫn nguồn tin từ một số người thuộc tổ chức phi chính phủ cho biết, họ đã cố gắng tiếp cận các công nhân nhưng bị lực lượng an ninh công ty ngăn cản. Các công nhân được cho là phải sinh sống và làm việc trong điều kiện tồi tàn, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

 Lao động Việt Nam trong điều kiện sinh sống và làm việc tồi tàn ở Serbia. Ảnh: BalkanInsight.com

Theo hai tổ chức phi chính phủ ASTRA và A11, có dấu hiệu cho thấy, các lao động tại công trường là nạn nhân của bọn buôn người. Họ bị bóc lột sức lao động, phải làm việc nhiều giờ hơn bình thường nhưng bị trả lương chậm, bị trừ tiền và không được cấp thiết bị bảo hộ khi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn