MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên phản ánh yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với họ là không cần thiết. Ảnh minh hoạ: Hưng Thơ

Bộ Nội vụ nói về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với viên chức

Trần Kiều LDO | 17/03/2021 17:20

Liên quan đến việc nhiều giáo viên phản ánh Thông tư của Bộ GDĐT qui định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới có thể tăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch là không cần thiết, thêm thủ tục hành chính, mới đây, Bộ Nội vụ đã có thông tin với Báo Lao Động về vấn đề này.

Cụ thể, Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên nói riêng và đội ngũ viên chức nói chung được quy định tại Luật Viên chức và thực hiện trong công tác tuyển dụng, thăng hạng viên chức từ năm 2012 đến nay.

Căn cứ quy định của Luật Viên chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có quy định cụ thể về chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức (Điều 33); sau đó, được thay thế bằng Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Tại các văn bản này của Chính phủ đều có có quy định chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Tuy nhiên, đối với từng chức danh nghề nghiệp viên chức cụ thể, việc yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tương ứng được quy định tại Thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới của các Bộ, ngành về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Trong đó, bao gồm cả việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức để bảo đảm quyền lợi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức và phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn