MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Đăng Minh- Người phát ngôn Bộ Nội vụ trả lời tại cuộc họp. Ảnh: T.T

Bộ Nội vụ rà soát cụ thể biên chế giáo dục, y tế của các địa phương

Thùy Linh LDO | 20/09/2019 19:53

Chiều 20.9, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, trong đó đã trả lời nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tính đến ngày 17.9, Bộ Nội vụ đã nhận được phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh, thành phố gửi đề án chi tiết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh.

Mặc dù Bộ Nội vụ đã có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chưa có phương án tổng thể đề nghị các địa phương khẩn trương gửi phương án đến Bộ Nội vụ để xem xét cho ý kiến. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 2 thành phố là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. 

Về số lượng người làm việc (biên chế viên chức) trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên.

"Đồng thời, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định"- ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng- Người phát ngôn Bộ Nội vụ nói.  

Trả lời vấn đề đang được quan tâm, đó là sau khi sắp xếp các huyện, xã, các cán bộ dôi dư sẽ được bố trí như thế nào, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho hay: "Phương án sắp xếp huyện, xã là do địa phương xây dựng, Trung ương có hướng dẫn các địa phương về chế độ chính sách để thực hiện chính sách. Về sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ sắp xếp theo chính sách tinh giản biên chế. Đối với trường hợp sắp xếp mà vẫn dôi dư thì sẽ được bố trí sắp xếp theo trình tự giảm dần, thực hiện các phương án như hỗ trợ thôi việc theo ngân sách của địa phương. Phương án tinh giản biên chế, cụ thể bao nhiêu người, lộ trình bao nhiêu năm là do địa phương sẽ xây dựng".

Về thí điểm sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, căn cứ Kết luận của Ban Cán sự đảng Chính phủ tại Thông báo số 1063-TB/BCSĐCP ngày 11.9.2019, Bộ Nội vụ đang dự thảo văn bản báo cáo Bộ Chính trị về việc hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ cấp tỉnh).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn