MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh Quochoi.vn

Bỏ sổ hộ khẩu cũng giống như cuộc cách mạng bỏ sổ gạo trước đây

VƯƠNG TRẦN LDO | 22/04/2020 20:56
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc thay đổi về quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh rất tiến bộ, phù hợp với xu hướng nhiều nước trên thế giới.

Tại phiên họp 44, chiều 22.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về dự thảo luật, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.

Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị Cơ quan trình làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để làm cơ sở cho việc quản lý công dân thông qua số định danh cá nhân.

Cho ý kiến về đề xuất bỏ sổ hộ khẩu trong quản lý công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng đây là một cuộc cách mạng như “bỏ sổ gạo” những năm trước đây.

“Tôi cảm nhận, các đồng chí muốn bỏ sổ hộ khẩu, tích hợp vào định danh công dân như một cuộc cách mạng, như việc bỏ sổ gạo trước đây” – ông Dũng nói và cho rằng việc này là tích hợp vào công cụ quản lý khác hiện đại, có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chứ không phải “mất hộ khẩu”.

Dẫn lại việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vừa qua tại Hàn Quốc, ông Dũng cho rằng, nhờ có khoa học công nghệ, định danh công dân nên kiểm soát được vấn đề đi lại, quản lý tốt được dân cư. “Mỗi người đeo cái vòng tay, ai đi đâu đều biết” – ông Dũng nói.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc thay đổi về quản lý dân cư bằng mã số định danh rất tiến bộ, phù hợp với xu hướng nhiều nước trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, người dân khổ sở về sổ hộ khẩu, người nghèo tha phương đi lên thành phố lao động, mang theo con cái, còn con cái không học được vì không có sổ hộ khẩu, đi đâu cũng “kè kè” sổ hộ khẩu. Trong khi xu hướng chung tiến bộ của các nước là không có sổ hộ khẩu, cầm sổ lương hưu đi đâu cũng rút được tiền chứ không phải về nơi cư trú.

“Chúng ta phải làm được như thế, tạo mọi thuận lợi cho người dân, nâng cao quản lý Nhà nước về quản lý dân cư. Chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử mà dân đi đâu cũng kè kè sổ hộ khẩu kèm theo, mất sổ hộ khẩu như mất sổ gạo. Cho nên phải đẩy mạnh vấn đề này để tạo thuận lợi cho người dân”- Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn