MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn

Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Bước tiến quản lý dân cư, nhưng phải tránh lãng phí, phiền hà

Đ.Chung-C.Nguyên- T.Vương LDO | 11/06/2020 07:42

Chiều 9.6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, quy định mới về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý công dân bằng mã định danh cá nhân trong dự luật là bước tiến rất lớn. Việc này không chỉ giúp cắt giảm thủ tục hành chính mà còn giúp người dân tiếp kiệm thời gian, tránh lãng phí và phiền hà.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành. Việc bỏ sổ hộ khẩu, thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú cũng sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc sửa đổi Luật Cư trú lần này là quyết tâm rất lớn của Bộ Công an, với nhiều điểm đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý dân cư, phù hợp với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay. Ông đề nghị sớm thông qua dự luật lần này, để tạo sự thuận lợi cho người dân.

“Việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư, bỏ sổ hộ khẩu giấy là cách làm khoa học nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Ở Việt Nam, do nhiều yếu tố nên hiện nay chúng ta mới đề xuất thực hiện quản lý dân cư bằng mã số định danh” -  đại biểu Ngọc nói và cho rằng, phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, nếu bỏ được sổ hộ khẩu giấy và bỏ quy định riêng về đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương như dự luật đưa ra thì người dân sẽ rất đồng tình.  Hiện có hơn 20 thủ tục liên quan đến hộ khẩu, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ tránh phiền hà cho người dân.

Cũng theo ông Phòng, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di cư ở vùng đồng bằng vào các thành phố thời gian qua là rất lớn. Dù chưa đăng ký thường trú, nhưng có một thực tế là người dân vẫn sinh sống và con cái của họ vẫn học tập ở các thành phố. Như vậy việc quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú chỉ hạn chế tình trạng nhập hộ khẩu chứ không hạn chế việc gia tăng dân số cơ học.

Lo không cấp đủ mã số định danh cho toàn bộ người dân

Dù rất ủng hộ chủ trương bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý dân cư bằng mã số định danh, tuy nhiên, điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Trong khi đó, hiện nay mới có hơn 18 triệu dân Việt Nam có mã số định danh. Còn khoảng gần 80 triệu dân nữa, thời gian còn lại có kịp để cấp mã số định danh cho công dân hay không?

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cho biết ông băn khoăn về tính khả thi của việc quản lý dân cư bằng mã số định danh theo lộ trình đưa ra.

“Tôi rất ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu giấy. Nếu bỏ được, người dân đi đâu không lo mất giấy, mất sổ hộ khẩu, việc khai báo tạm trú, tạm vắng cũng dễ dàng, thậm chí thực hiện qua điện thoại cũng rất tiện lợi. Cái lo nhất là tính khả thi.

 Lộ trình Bộ Công an đưa ra là bỏ sổ hộ khẩu và quản lý đăng ký dân cư bằng mã số định danh cá nhân nếu được Quốc hội thông qua sẽ triển khai thực hiện từ tháng 7.2021. Tức là đến tháng 6.2021 sẽ phải hoàn thành việc cấp mã số định danh cho toàn bộ dân cư. Chúng ta có làm kịp không? Rồi vấn đề bảo mật thông tin cá nhân như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân? Tất cả những vấn đề này phải được đặt ra, cơ quan soạn thảo phải làm rõ trước khi thực hiện” -  ông Xuyền nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Bình Quân (Đoàn Tuyên Quang) cũng có băn khoăn tương tự và cho rằng cần làm rõ lộ trình, tiên lượng trước có kịp cấp đủ mã số định danh cho người dân trong 1 năm nữa không. “Người dân đang rất hồ hởi vì bỏ được sổ hộ khẩu, nhưng nếu đến ngày đến giờ luật có hiệu lực mà mình chưa triển khai được thì người dân sẽ thất vọng” - đại biểu Quân nhấn mạnh.

Cũng góp ý về các điểm mới của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xóa các điều kiện đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc trung ương thì phải cân nhắc kỹ, vì chắc chắn sẽ làm tăng áp lực về cơ sở hạ tầng lên các thành phố lớn.

Ngoài ra, ông Huệ cũng kiến nghị, theo lộ trình dự tính đến tháng 6.2021 là cấp xong mã số định danh cho toàn bộ dân cư. Nhưng đến lúc đó có trường hợp dân chưa được cấp, chưa bỏ được sổ hộ khẩu giấy, chưa làm được số định danh cá nhân, thì phải có giai đoạn hay điều khoản chuyển đổi trong luật, để đảm bảo tính khả thi và thông suốt cho hệ thống hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn