MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bổ sung đối tượng tinh giản biên chế giúp giảm chi ngân sách

Vương Trần LDO | 09/05/2023 09:42
Bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính thuộc đối tượng tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách đối với các đối tượng này khi bị dôi dư, không có việc làm ổn định cuộc sống. 

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Tờ trình về dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thay thế 3 Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31.8.2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10.12.2020).

Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ, kế thừa quy định còn phù hợp tại 3 Nghị định, dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ ngay theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15. 

Tờ trình cũng nêu rõ, trường hợp cần có chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng nêu trên thì chuyển sang điều khoản áp dụng Nghị định này. 

Bộ Nội vụ lý giải, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị và của Quốc hội thì ngoài đối tượng chịu tác động trực tiếp là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị cần bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính thuộc đối tượng tinh giản biên chế. 

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Ái Vân

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng mục đích, yêu cầu của Đảng đề ra.

Về mặt xã hội, tác động của chính sách này đó là đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có một khoản tiền nhằm ổn định cuộc sống khi bị dôi dư, mất việc làm. 

Việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính được hưởng chính sách tinh giản biên chế nhằm hoàn thiện đồng bộ về mặt thể chế trong việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. 

Trong đánh giá tác động, Bộ Nội vụ cho rằng, việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính thuộc đối tượng tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách đối với các đối tượng này khi bị dôi dư, không có việc làm nhằm ổn định cuộc sống. 

Theo Bộ Nội vụ, việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính” là phương án tối ưu cả về lợi ích và chi phí so với việc “giữ nguyên hiện trạng”.

Các đối tượng áp dụng tinh giản biên chế

Theo dự thảo Nghị định, các đối tượng áp dụng tinh giản biên chế gồm:

1. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã. 

2. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. 

3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức hoặc thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ. 

4. Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (không bao gồm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động).

5. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

6. Người làm việc trong các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao. 

7. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn