MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu ký túc xá Đông Phương của Tập đoàn Phong Thái (Đồng Nai) được xây dựng khang trang giúp công nhân ổn định cuộc sống. Ảnh: Hà Anh Chiến

Bổ sung quy định về phát triển nhà lưu trú công nhân và lực lượng vũ trang

Vương Trần LDO | 13/02/2023 07:35

So với Luật Nhà ở năm 2014 thì điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là bổ sung mới 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Luật Nhà ở năm 2014 đang được triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc liên quan tới chính sách phát triển nhà ở xã hội làm nản lòng nhà đầu tư. 

Trong đó, một số vướng mắc được chỉ ra đó là một số loại hình nhà ở cho các đối tượng chính sách hiện đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn nhưng chưa được Luật hoá như: Nhà lưu trú cho công nhân; nhà ở của lực lượng vũ trang. 

Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 5 tới, nội dung về chính sách nhà ở xã hội đã có nhiều điểm mới, điểm sửa đổi, bổ sung để khắc phục tình trạng này.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM. Ảnh: Bảo Chương

Qua nghiên cứu, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết, về chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật kế thừa một số quy định trong Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; loại nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội…

Đặc biệt, so với Luật Nhà ở năm 2014 thì điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là bổ sung mới 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Theo Bộ Xây dựng, công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đây cũng chính là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng nêu rõ đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân đó là: Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản tham gia phát triển nhà lưu trú công nhân.

Hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân đó là: Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng hoặc thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân của mình thuê lại.

Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với UBND cấp tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp.

Loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế nhà lưu trú công nhân là nhà chung cư hoặc nhà liên kế một tầng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt...

Còn đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, viên chức, công nhân, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ.

Về hình thức phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang để cho các đối tượng nêu trên thuê, thuê mua.

Hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang để cho các đối tượng nêu trên mua, thuê mua, thuê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn