MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, TP.Đông Hà (Quảng Trị) tập trung giải quyết các vướng mắc trong hồ sơ làm sổ đỏ. Ảnh: Hưng Thơ

Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 7/17 về cải cách hành chính

THÔNG CHÍ LDO | 22/05/2020 08:21
Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019. Theo kết quả vừa công bố, năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 84,78 điểm, nằm trong nhóm đầu về cải cách hành chính, xếp thứ 7/17 các bộ và cơ quan ngang bộ.

Mục tiêu hướng về người dân, cơ sở

Nhận xét về công tác cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) được ghi nhận trong Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chia sẻ cảm thấy hạnh phúc vì sự nỗ lực của toàn ngành đã mang lại những kết quả.

“Những chỉ số này cho thấy, kết quả của việc cải cách thủ tục hành chính của Bộ TNMT và các bộ ngành khác trong thời gian qua. Chỉ số cũng đánh giá sự nỗ lực của Bộ TNMT trong thời gian qua đã mang lại những kết quả, những chuyển biến trên thực tế. Cảm ơn sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cán bộ, công nhân viên chức và người lao động (CBCNVC, NLĐ) của ngành TNMT, những người đã nỗ lực không mệt mỏi,  lấy mục tiêu là hướng về địa phương, cơ sở” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (đơn vị được giao đầu mối giúp việc Bộ trưởng thực hiện cải cách hành chính) - cho rằng, kết quả xếp hạng 7/17 về Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước không phải nỗ lực đến từ 1 năm mà là quá trình lâu dài nhiều năm. Kết quả này bắt nguồn sự điều hành quyết liệt của người đứng đầu ngành TNMT.

Ông Tuyến dẫn chứng, trong vài năm trở lại, Bộ TNMT đã tổ chức họp giao ban vùng để giải quyết triệt để các tồn tại. “Chính vì giao ban vùng với sự có mặt  của địa phương, các cục, vụ nên nếu vấn đề nóng về sự vụ được giải quyết ngay. Vấn đề liên quan tới tới bộ thì sửa Thông tư. Còn những vướng mắc liên quan tới luật thì Bộ TNMT kiến nghị sửa đổi” - ông Tuyến cho biết.

Ngoài ra, để tạo kênh cho người dân, doanh nghiệp được phản ánh trực tiếp, Bộ TNMT đã thiết lập 3 đường dây nóng gồm đường dây nóng của thanh tra bộ, đường dây nóng của Tổng cục Đất đai và đường dây nóng của Tổng cục Môi trường. Ba đường dây nóng hoạt động với với phương châm: Trực - nghe - giải quyết.

Về chỉ đạo điều hành, ông Tuyến cho hay, Bộ TNMT cũng thiết lập hệ thống tương tác trên mạng Internet kết nối với các Sở TNMT các tỉnh để coi các sở là đơn vị trực thuộc bộ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. “Từ kênh đường dây nóng và hệ thống kết nối với các Sở TNMT nên vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đã được tháo gỡ kịp thời” - ông Tuyến cho hay.

Nhiều việc phải làm để “cán bộ không nhũng nhiễu, dân không phải bôi trơn”

Chỉ cách đây 5-6 năm, tại các văn phòng đăng ký đất đai (nơi làm thủ tục xin cấp, tách sổ đỏ-PV) các thành phố lớn luôn trong cảnh đông nghẹt, chen lấn để làm thủ tục. Để làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, người dân mỗi lần đến lại được cán bộ giải thích thiếu hồ sơ này, khi thì bổ sung thêm thông tin kia. Và thường đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, người dân đã gặp “cò đất” để giải quyết “một lần nhanh gọn”. Nhưng hiện tại, tại các văn phòng đăng ký đất đai các tỉnh vẫn đông người nhưng ít thấy chen lấn. Các thủ tục hồ sơ đều được cán bộ giải thích rõ ràng, gọn gàng trong một lần.

Sự thay đổi này, theo ông Tuyến, là cả quá trình để ra được Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. So với quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã được cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian. “Trước đây, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là 30 ngày thì hiện nay chỉ còn 15 ngày, tức là giảm được ½ thời gian” - ông Tuyến dẫn chứng.

Không phải ngẫu nhiên mà Chỉ số PAPI 2019 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) cho thấy, tỉ lệ người dân phản ánh phải “bôi trơn” khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016. Tỉ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đạt 80,72%. Ngoài ra, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng đều qua 3 năm.

Tuy nhiên, không hài lòng với kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cán bộ ngành TNMT còn rất nhiều việc phải làm để có thể góp phần xây dựng chính phủ kiến tạo, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp. “Sự ghi nhận của người dân, doanh nghiệp cũng là động lực để những người làm chính sách, quản lý TNMT tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo báo cáo chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019, Bộ TNMT xếp thứ 7 trong tổng số 17 bộ và cơ quan ngang bộ, với số điểm là 84,78, tăng 2.26 điểm so với năm 2018, trong đó nhiều nội dung cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, Bộ TNMT đạt điểm tối đa - 9 điểm, xếp hạng cao nhất cùng với 8 bộ và cơ quan ngang bộ khác.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ TNMT xếp thứ 5 trong tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ, đạt 11,03 điểm trên điểm tối đa 12,5. T.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn