MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng

Bỏ thời hạn công khai kết luận thanh tra sẽ ngược quy định chống tham nhũng

PHẠM ĐÔNG LDO | 07/09/2022 11:43
Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cần quy định rõ trong thời hạn 10 - 15 ngày sau khi ký thì phải công khai kết luận thanh tra, tránh sự can thiệp, tác động vào kết luận thanh tra sau khi đã được ký.

Tránh sự can thiệp vào hoạt động của Đoàn thanh tra

Sáng 7.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Qua thực tiễn hoạt động thanh tra, đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa còn băn khoăn về việc thống nhất tổ chức hệ thống thanh tra nhà nước theo cấp hành chính và cần thiết phải có thanh tra cấp huyện.

Đại biểu cho rằng, luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao. Bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý.

Trên thực tế đã có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp trước khi người đứng đầu cơ quan thanh tra ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự lệch lạc.

Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

Quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực 

Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng góp ý về việc sửa đổi quy định về công khai kết luận thanh tra tại Điều 75. Theo đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo đã bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra.

Luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra. Đây cũng là yêu cầu của pháp luật về phòng chống tham nhũng, đòi hỏi phải công khai minh bạch hoạt động của cơ quan tổ chức để phòng ngừa tham nhũng.

Thế nhưng, dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời lại sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan. Như trước khi công khai kết luận có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra. Nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra sau khi kết luận thanh tra chưa được công khai.

Theo đại biểu Cường, việc sửa đổi như trên không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra. Đồng thời ngược lại với quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, gây khó khăn cho các đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra.

Về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành. Tuy nhiên, nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành được mà không vi phạm điều cấm là tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa công khai.

Do đó, ông đề nghị cần quy định rõ trong thời hạn 10 - 15 ngày sau khi ký thì phải công khai kết luận thanh tra, tránh được sự can thiệp tác động vào kết luận thanh tra sau khi đã được ký.

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Liên quan đến báo cáo kết quả thanh tra, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn Kon Tum đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 3, Điều 69 như sau: “Trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ: Yếu kém về năng lực quản lý; Thiếu trách nhiệm trong quản lý; Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn