MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lô vaccine COVID-19 AstraZeneca đầu tiên về Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam tiếp cận sớm nhưng mua vaccine muộn

Phạm Đông LDO | 10/11/2021 12:33

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam tiếp cận vấn đề vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước vì cả lý do khách quan và chủ quan.

Sáng 10.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trả lời, làm rõ các nội dung về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chiến lược vaccine. Bên cạnh đó là các nội dung về bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở...

Theo đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) nêu băn khoăn của cử tri về trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong xây dựng, triển khai chiến lược vaccine COVID-19 sớm hơn sẽ ngăn chặn được những tổn thất về dịch bệnh trong năm 2021.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh những khó khăn trong việc mua vaccine xuất phát bởi nhiều nguyên nhân.

“Chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan” - ông Long nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành y tế, từ tháng 9.2020 đã làm việc và có những thoả thuận với COVAX. Tháng 11.2020, nước ta đã có những thoả thuận đầu tiên với AstraZeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Tiếp theo nước ta cũng đã chủ động với các công ty để thúc đẩy vấn đề nghiên cứu, sản xuất với vaccine trong nước.

Giải thích cho sự chậm trễ, ông Long viện dẫn tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu trong suốt gần 1 năm qua. Trong đó, một số nước phát triển đặt hàng mua số lượng rất lớn, có những nước đặt mua vaccine nhiều hơn cả so nhu cầu. Bên cạnh đó là tâm lý sử dụng vaccine.

“Tháng 2, 3, 4 khi đó tình trạng tẩy chay vaccine, kể cả vấn đề từ chối tiêm vaccine diễn ra phổ biến không chỉ ở nước ta mà trên quy mô toàn cầu” - ông Long cho biết.

Nguyên nhân tiếp theo là những khó khăn trong việc mua vaccine khi phải vượt qua được rất nhiều rào cản về mặt pháp luật, cũng như phải chấp nhận tất cả những điều kiện của bên bán. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc rất khó để đưa ra các điều kiện thương thuyết.

Các ngành chức năng đã tổ chức hơn 200 cuộc thảo luận thương thuyết với các hãng. Nhưng hầu hết điều kiện mà các công ty đưa ra không thể thay đổi bởi áp dụng cho quy mô toàn cầu.

Bên cạnh đó, chúng ta phải chấp nhận những rủi ro như: Rủi ro do hàng chậm, hay việc không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp vaccine không đảm bảo (chỉ trừ khi quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo). Các công ty cũng không chịu trách nhiệm về vấn đề giao hàng không đúng thời hạn.

Tiếp đó, Bộ Y tế đã trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội)về thời gian cụ thể vaccine COVID-19 của Việt Nam sẽ được phê duyệt và đưa vào sử dụng? Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện trong nước có 2 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Về vấn đề cấp phép, ông Long nói rằng, Bộ Y tế chỉ cắt ngắn những thủ tục về mặt hành chính còn về chuyên môn và an toàn phải đảm bảo tối đa trên cơ sở xem xét của Hội đồng Y đức và Hội đồng Cấp phép. Hai hội đồng này thời gian qua liên tục làm việc, hướng dẫn bổ sung dữ liệu với các nhà sản xuất để có thể cấp phép.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng sớm có vaccine của Việt Nam để sớm chủ động được nguồn vaccine” - ông Long nói.

Liên quan đến vấn đề phân bổ vaccine mà đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chiến lược vaccine của Việt Nam đã triển khai thành công. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, thành công chiến lược vaccine trên các khía cạnh như mua, nhập khẩu vaccine. Việt Nam đã có hợp đồng, thỏa thuận gần 200 triệu liều vaccine và có thể tăng lên.

Việt Nam cũng đã thúc đẩy ngoại giao vaccine để tăng lượng vaccine về nhanh nhất, nhiều nhất. Các đơn vị trong nước cũng đang triển khai tự chủ vaccine thông qua nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Tới đây, vaccine trong nước có khả năng được cấp phép. Chiến dịch tiêm chủng đã được tổ chức ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay; cả nước đã tiêm được 94 triệu người.

Ông Long cũng khẳng định, lượng vaccine đảm bảo đủ cho người từ 18 tuổi trở lên cũng như trẻ em từ 12 tuổi tiêm đủ hai mũi; mũi ba cuối năm nay sẽ triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn