MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu). Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói về giải pháp khơi thông các dòng chảy

NHÓM PV LDO | 04/06/2024 14:25

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về trách nhiệm quản lý và giải pháp trước tình trạng ô nhiễm môi trường, sông ngòi.

Ngày 4.6, Quốc hội khóa XV tiếp tục với phiên chất vấn, trả lời chất vấn dành cho 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội là Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đặt ra lo ngại về ô nhiễm, an ninh nguồn nước, cần có giải pháp từ Bộ trưởng Bộ TNMT về vấn đề này.

Đại biểu Phạm Thị Kiều cho biết, việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn.

Vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến Việt Nam và nước ta là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu cũng tác động đến nguồn nước nên chúng ta phải sớm có những giải pháp để đảm bảo được an ninh nguồn nước. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước thì đầu tiên chúng ta phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói và cho biết thêm chúng ta phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng và sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải, quản lý ô nhiễm nguồn nước là giải pháp quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Từ đó, vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như là nước thải sinh hoạt.

Với nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tỉ lệ xử lý nước thải của Việt Nam hiện rất thấp, đặc biệt là nước sinh hoạt, nước thải cụm công nghiệp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chung tay xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nước thải, hoàn chỉnh hợp tác công tư, đảm bảo thu hút nguồn xã hội hóa.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Quốc hội.

Trong khi đó, sau khi nghe câu trả lời của Bộ trưởng Bộ TNMT về việc hồi sinh các "dòng sông chết", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) xin tranh luận.

Đại biểu này nêu câu hỏi tới Bộ trưởng về trách nhiệm quản lý khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

“Bộ trưởng nói việc này cần thời gian và nguồn lực, nhưng cần bao nhiêu năm nữa? Nguồn lực xử lý tổng thể ô nhiễm thế nào, vì vấn đề này ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân” - đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua đơn vị và Bộ Công an đã phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm, nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Bộ TNMT đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm.

Về phản ánh của đại biểu liên quan đến tình trạng “càng ngày càng ô nhiễm”, Bộ trưởng giải thích do phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng.

“Càng phát triển, những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn" - ông nói.

Giải pháp Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đưa ra là cần tạo được dòng chảy, khơi thông hệ thống. Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn