MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ sửa quy định theo hướng không đòi hỏi nhiều về văn bằng, chứng chỉ đối với cán bộ công chức. Ảnh: PV

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Sẽ không yêu cầu phải nộp nhiều bằng cấp, chứng chỉ

NHÓM PV LDO | 15/11/2019 13:59

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, các quy định về văn bằng, chứng chỉ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức đang gây phiền hà, nhiều thủ tục rườm rà. Ông Tân khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ sửa các quy định theo hướng không đòi hỏi nhiều về bằng cấp, chứng chỉ mà việc đánh giá chất lượng công chức, viên chức sẽ đi vào thực chất.

- Tại phiên chất vấn Quốc hội, khi nhiều đại biểu chất vấn về việc tổ chức học, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ được ví như một “giấy phép con”, gây tốn kém tiền của và công sức cho công chức, viên chức, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ sửa ngay. Thực hiện lời hứa với đại biểu và cử tri cả nước, việc sửa quy định về chứng chỉ sẽ được Bộ thực hiện theo hướng như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ Nội vụ sẽ sửa theo hướng đơn giản thủ tục. Chẳng hạn, tuyển dụng đầu vào công chức, viên chức sẽ có nhiều cách khác nhau, như có thể thi viết hoặc thi trên máy. Kiểm tra trình độ tin học và ngoại ngữ cũng đều trên máy, chứ không yêu cầu phải nộp kèm chứng chỉ trong hồ sơ. Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ, chúng ta sẽ thành lập hệ thống kiểm định chất lượng đầu vào thống nhất trong phạm vi cả nước, hoặc theo khu vực.

Người nào đã nhận được chứng nhận đạt chất lượng đầu vào thì về địa phương chỉ cần phỏng vấn để phù hợp với từng vị trí việc làm, chứ không thực hiện quy trình tuyển dụng hai lần. Đây sẽ là cách sắp xếp quy trình thủ tục, phương pháp làm, thành lập một trung tâm để kiểm định chung cho cả khu vực, hoặc trung tâm kiểm định theo lĩnh vực cho từng ngành nghề.

Về việc thăng hạng, bổ nhiệm, các loại văn bằng chứng chỉ khi thực hiện quy trình này sẽ yêu cầu theo từng vị trí việc làm cụ thể, chứ không cào bằng như hiện nay. Ví dụ, vị trí vụ trưởng, cục trưởng thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế thì tiêu chuẩn về ngoại ngữ là bắt buộc.

- Cũng trong phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng nói vấn đề chứng chỉ không chỉ gây phiền hà trong việc thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, mà quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay cũng rườm rà khi đòi hỏi đến 7 chứng chỉ, bằng cấp, điều kiện liên quan. 7 bằng cấp, chứng chỉ này cụ thể là gì?

- Tôi có thể liệt kê: Một là bằng đại học, hai là lý luận chính trị, thứ ba là quản lý nhà nước, thứ tư là chứng chỉ bồi dưỡng chức danh, thứ năm là chứng chỉ tin học, thứ sáu là chứng ngoại ngữ, thứ bảy là chứng chỉ quốc phòng.

Việc quy định nhiều văn bằng, chứng chỉ gây phiền hà, thủ tục rườm rà, thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi quy định.

- Như Bộ trưởng vừa nói, sau này yêu cầu về các loại văn bằng, chứng chỉ sẽ tương ứng theo từng vị trí việc làm cụ thể, chứ không cào bằng như hiện nay. Vậy, việc sắp xếp vị trí việc làm thời gian tới sẽ thực hiện theo hướng như thế nào?

- Bộ Nội vụ đã phê duyệt về vị trí việc làm với công chức trong các cơ quan hành chính. Còn với hệ thống viên chức thì theo Nghị định 161, Chính phủ phân cấp cho bộ ngành địa phương phê duyệt đề án vị trí việc làm với từng nơi.

Khi tổ chức thay đổi, chức năng nhiệm vụ thay đổi, chúng ta phải sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp.

Đợt này, chúng ta sẽ kết hợp với chính sách trả lương theo chế độ tiền lương mới để sắp xếp vị trí việc làm. Trước đây, việc miêu tả khung năng lực vị trí việc làm không rõ, không có vị trí tương đương, nên lần này sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm chia làm 4 nhóm.

Nhóm một là người có chức danh lãnh đạo, quản lý. Nhóm 2 là chuyên môn nghiệp vụ. Nhóm 3 là chuyên môn nghiệp vụ dùng chung, có thể là thanh tra, văn phòng, tổ chức. Nhóm thứ 4 là nhóm phục vụ.

Chúng ta xây dựng lại theo các nhóm này để khi xây dựng thang bảng lương sẽ gọn hơn, trả lương theo vị trí việc làm. Hiện nay, có hai luồng quan điểm, nhưng đa số thích làm theo cách thi vào vị trí, trả lương theo vị trí việc làm. Khi thực hiện việc này, chúng ta sẽ từng bước bỏ việc thi, xét nâng ngạch.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn