MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đâu cũng cần nhưng cái bánh ngân sách có vậy thôi

Hùng - Trung - Nguyên LDO | 29/10/2018 17:19
Giai đoạn 2016 đến nay đang tập trung xử lý các vấn đề do giai đoạn 2011 - 2015 để lại, trong đó có việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước. Từ 2016 đến nay chỉ khởi công hơn 400 dự án. Kiên quyết sẽ dần dần cắt bỏ tình trạng xin - cho.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại hội trường Quốc hội (QH) chiều 29.10.

Xử lý hệ luỵ từ nhiệm kỳ trước 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trước khi thực hiện Luật Đầu tư công đã để lại hệ quả rất lớn, đó là phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư các dự án hết sức tuỳ tiện. Quyết định đầu tư nhưng không biết có tiền hay không, có bao nhiêu, cứ quyết định đầu tư sau đó mới tạo áp lực đi xin vốn, không xin được vốn thì xin ứng trước, rồi kéo dài, rồi nợ đọng… Giai đoạn 2016 - 2020 phải tập trung xử lý những hệ luỵ này mà việc ban hành Luật Đầu tư công là để xử lý.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2011 - 2015 khởi công thực hiện 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 2016 - 2020 giảm chỉ còn 9.620 dự án, tức là giảm hơn một nửa. Trong 9.620 dự án của giai đoạn 2016 - 2020 đó, có hơn 8.000 dự án là của giai đoạn 2011 - 2015 chuyển tiếp. Tất cả các dự án khởi công mới từ ngân sách trung ương chỉ còn 412 dự án với số vốn hạn hẹp. 

Tập trung trả nợ xây dựng cơ bản hết 9.000 tỉ, trả nợ ứng trước kế hoạch từ trước hơn 50.000 tỉ. Như vậy, giai đoạn từ 2016 chỉ khởi công mới rất hạn hẹp.

Theo Bộ trưởng, sở dĩ chưa có dư địa thực hiện các dự án dở dang là vì vậy.

Cũng theo Bộ trưởng, từ khi thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, ý thức chấp hành tốt hơn. Trước đây không cần biết vốn ở đâu, cứ đi xin, lập dự án rồi tính tiền sau, rồi xin - cho. Bây giờ không có thể tuỳ tiện nữa.

Không còn tình trạng xin - cho

Về thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), trước kia là hằng năm nên có tình trạng ăn đong, xin - cho; nay làm kế hoạch 5 năm cộng với hằng năm để tổ chức hiệu quả nhất, làm dự án nào thực hiện rốt ráo dự án đó. 

Luật Đầu tư công xác định có vốn mới xác định dự án, không còn chuyện lập dự án không biết vốn ở đâu “không biết có bao nhiêu tiền”. Các bộ, ngành giờ chủ động biết số tiền còn bao nhiêu, giảm xin - cho. 

Tuy nhiên, khi thực hiện như vậy, nhược điểm là ban hành kèm danh mục đầu tư, vì vậy khi bổ sung kế hoạch 5 năm phải trình Quốc hội rất phức tạp, tính linh hoạt khó hơn. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với ý kiến phát biểu của đa số đại biểu khi cho rằng, nguồn lực, nhu cầu đầu tư phát triển đất nước lớn nhưng khả năng ngân sách có hạn, ODA đang giảm dần, huy động từ nguồn lực xã hội khó.

"Trong khi đó, đâu cũng cần, nhưng cái bánh ngân sách có vậy thôi, do đó không thể đáp ứng được. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải đảm bảo an toàn bội chi không quá 2 triệu tỉ đồng trong khi phải xử lý số dư nợ từ nhiệm kỳ trước, vì vậy Chính phủ phải đề nghị dùng ngân sách dự phòng là như vậy" - Bộ trưởng nói. 

Về việc giao vốn chậm, nhiều lần, Bộ trưởng lý giải do QH mới giao 2 năm, lần đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công, phải thực hiện thêm các thủ tục nên càng khó hơn. Vì quy định đủ thủ tục nên bộ này chờ bộ kia, nếu chưa đủ thì Chính phủ không thể duyệt. Như Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiều dự án, nhiều tiền nhưng không thể tiêu vì vướng thủ tục.

Trách nhiệm của các địa phương, các bộ ngành cũng phải xem lại trách nhiệm giao vốn và giải ngân vốn với các địa phương thực hiện, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn