MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng: Tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao, tăng 6,42%

Vương Trần LDO | 04/07/2022 11:31

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ

Tại phiên họp Chính phủ tháng 6.2022 đang diễn ra hôm nay (4.7), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ (kịch bản theo Nghị quyết 01 là từ 5,1-5,7%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,74%) và tương đương mức bình quân các năm trước dịch từ năm 2016-2019 (6,38%). 

Hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP với khí thế mới, xung lực mới.

Sản xuất tại các KCN của tỉnh Bắc Giang đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: T.K

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao, tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong quý II cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận; kinh tế tiếp tục phục hồi đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định mặt bằng tỷ giá, lãi suất, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về lạm phát, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu hụt lao động cục bộ, dịch bệnh… tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới và trong nước, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KHĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Kịch bản tăng trưởng được Bộ KHĐT đưa ra cụ thể như sau:

Kịch bản 1: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).

Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thời gian tới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường trong cả ngắn hạn và trung hạn, thu ngân sách Nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn