MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3. Ảnh: Hữu Chánh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển nền tảng số là sứ mệnh quốc gia

Trần Tuấn LDO | 11/12/2021 21:51

Năm 2021 đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải quyết các bài toán Việt Nam, đã có nhiều hơn các sản phẩm đi ra nước ngoài và thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhận phát triển các nền tảng số là nhận sứ mệnh quốc gia

Phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 ngày 11.12, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời chúc mừng Cộng đồng Công nghệ số Việt Nam nhân ngày truyền thống 12.12.

Bộ trưởng cho biết, doanh thu của ngành Công nghiệp công nghệ số năm 2021 lên tới trên 135 tỉ USD, số lượng doanh nghiệp và doanh thu từ công nghệ số tăng 10%. Năm 2021 đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải quyết các bài toán của Việt Nam, đã có nhiều hơn các sản phẩm đi ra nước ngoài và thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành tham dự Diễn đàn. Ảnh: Bộ TTTT. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần 3 năm nay, các doanh nghiệp Công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

"Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của kinh tế số và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam", Bộ trưởng nói. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Sắp tới, một trang web quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số sẽ được thiết lập.

Nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp số

Tham dự diễn đàn, đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, được ví như "mạch máu của nền kinh tế", Ông Kurt Bình, sáng lập và CEO công ty Smartlog cho biết: Nhiều năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ logistics có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, không chỉ cung cấp cho nội địa mà còn vươn ra toàn cầu.

"Trong đó, tinh thần dân tộc số, ý chí và kiên định làm đến cùng sẽ đưa đến thành công", ông nhấn mạnh.

Đại diện Smartlog cho hay, giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch vừa qua càng chứng minh cho tầm quan trọng của logistics đối với nền kinh tế. Chi tiêu cho ngành này chiếm hàng chục tỉ USD, nhưng vẫn tồn đọng nhiều hạn chế.

Chỉ ra những thực trạng của logistics tại Việt Nam, ông nhận định logistics Việt còn phân mảnh, thiếu sự liên kết. Thứ hai là lãng phí phương tiện. Thứ ba là chuyển đổi số không đồng nhất. Ví dụ, một doanh nghiệp, tài xế có thể dùng hàng chục ứng dụng logistics khác nhau, thể hiện sự kém hiệu quả.

Ngoài ra, với sự bùng nổ của thương mại điện tử gây ra hệ luỵ là lưu lượng xe vận chuyển ngày càng nhiều, khiến tắc nghẽn, khí thải, tai nạn, quy hoạch hạ tầng... (phí tổn ngoại biên).

"Doanh nghiệp không tự giải quyết mà cần sự hỗ trợ của Nhà Nước để giảm thiểu tác động đó, trong đó chuyển đổi số là một giải pháp, dựa trên dữ liệu. Cần có tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics", ông đề xuất.

 Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hữu Chánh.

Bà Đặng Mỹ Châu, Phó TGĐ Công ty CP VietLotus cho biết, trong hai năm vừa qua, chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số, kinh tế số. Tuy nhiên, thị trường đang thiếu hụt nhân lực số chất lượng cao. Hàng năm, các trường chỉ đào tạo khoảng 50 nghìn kỹ sư, nhưng nhu cầu thị trường cần tới 500 nghìn kỹ sư CNTT.

Bà Châu dẫn ra một khảo sát, về kỹ năng chuyển đổi số, dựa trên thang điểm 10, Việt Nam đạt 5/10, đứng thứ 53 trên thế giới. Đứng đầu là Singapore.

Cũng theo bà Châu, trong nền kinh tế số, lực lượng lao động có sự thay đổi, nhu cầu về công việc phân tích dữ liệu, học máy, AI, chuyên gia marketing số có nhu cầu tăng cao, trong khi đó nghề liên quan nhập dữ liệu, kế toán, thư ký, trợ lý có xu hướng giảm.

"Chính phủ cần thiết kế lại chính sách và cơ chế đầu tư cho giáo dục đại học. Theo đó, thay vì cơ sở vật chất, tính toán số lượng học viên trên một giáo viên, cần quan tâm đến cơ sở kỹ thuật, số hoá chương trình học", đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Cũng tại diễn đàn, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ theo hướng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

"Mỗi năm, Viettel có khoảng 4.000 tỉ để nghiên cứu khoa học, nhưng vì cơ chế rất khó nên chỉ tiêu được khoảng 700 tỉ", ông Dũng nói và khẳng định nếu tiêu được thêm, chắc chắn kết quả nghiên cứu khoa học sẽ được nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn