MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CL

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về nghịch lý “30 điểm vẫn trượt đại học”

Bích Hà LDO | 12/08/2017 07:21
Lần đầu tiên, vị tư lệnh ngành giáo dục lên tiếng nói về những hiện tượng trong mùa tuyển sinh 2017 như: “Mưa điểm 10”, 30 điểm vẫn trượt đại học, trường đại học có hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học…

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu ở cả ba đầu cầu Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu lên hàng loạt vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Theo Bộ trưởng, dư luận xã hội cần nhìn nhận các hiện tượng trên một cách thấu đáo.

Nói về hiện tượng “mưa điểm 10”, Bộ trưởng cho rằng: Cái được lớn nhất của chúng ta là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy có nhiều hơn nhưng trung vị vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là “mưa điểm 10” như dư luận bình luận.

Về việc cộng điểm ưu tiên gây bất cập, dẫn đến việc có thí sinh 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một đại học vì không được cộng điểm ưu tiên, Bộ trưởng thừa nhận việc cộng điểm ưu tiên hiện nay không còn phù hợp và sẽ xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng cho rằng, vì năm nay nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành hot như Y, Dược, Công an, Quân đội... trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí là giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nói sẽ ra đề thi phân hóa tốt hơn cho những năm sau. Đây cũng là giải pháp cho câu chuyện "mưa điểm 10" trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Về hiện tượng có đến 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, Bộ trưởng cho rằng hiện tượng này không quá khó hiểu. Vì trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn và ngược lại. Việc này sẽ khiến các cơ sở giáo dục phải có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường đại học phải nhìn vào cung - cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như định hướng phát triển. Không đổ xô đào tạo trong khi thị trường không cần. Đặc biệt, trong điều kiện thế giới thay đổi nhanh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ thì xu hướng ngành học càng thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, giáo dục đại học hiện đại phải nghĩ đến tiếp cận theo hướng nhu cầu thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn