MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm: “Bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân”

Đặng Chung - Trần Vương- Nguyễn Hà LDO | 21/10/2020 13:15
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc bỏ sổ hộ khẩu là niềm mong ước của người dân. Trước đây chúng ta có một số quy định cần sổ này, sổ kia, nhưng khi bỏ được rồi, thay đổi phương thức quản lý thì mang lại niềm phấn khởi cho người dân.

Sáng 21.10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật này.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho tổ chức và công dân, áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, cập nhật thông tin về cư trú của công dân...

Trong đó, Bộ Công an đề nghị chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới; Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm 1.7.2021.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mục tiêu xây dựng Luật Cư trú là đảm bảo yêu cầu không để cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân. Đây là mục tiêu rất quan trọng. Mục tiêu thứ 2 là phải xác định được vị trí pháp lý của công dân, của người dân trên lãnh thổ Việt Nam. Dù ở đâu cũng phải có vị trí pháp lý để giao dịch, xác nhận. Mục tiêu thứ 3 là việc đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của người dân, công dân.

Trong những quy định này, việc đăng ký quản lý không được làm phiền hà, nhũng nhiễu, phức tạp cho nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, việc bỏ sổ hộ khẩu là niềm mong ước của người dân. Nếu làm được thì sẽ mang lại sự phấn khởi cho người dân cả nước. Sổ hộ khẩu hiện nay có rất nhiều điều khoản khác quy định đi theo, ăn theo, giờ phải thay đổi phương thức quản lý. Từ nay cho đến 1.7.2021, sẽ vận động tất cả người dân gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở, đăng ký các giấy tờ pháp lý theo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu… thì cần có sự chuyển đổi bằng căn cước công dân.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng thông tin, hiện nay thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập được khoảng 90%, giờ chỉ thẩm định, phúc tra và đưa vào trong hệ thống máy. Còn 10% sẽ cố gắng, có thể trong năm 2020 hoàn thành.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ sẽ tiếp thu các vấn đề về khái niệm, những điều khoản quy định cụ thể, những điểm chưa phù hợp trong vấn đề cư trú.

“Đọc lại trong luật và đối chiếu với phát biểu của các đại biểu ở đây, chúng tôi thấy rằng quy định cũng rất cụ thể. Ví dụ khái niệm thế nào là cư trú, thế nào là tạm trú, thế nào là lưu trú… được quy định rất cụ thể. Mỗi người phải có nơi cư trú hợp pháp, thường trú. Trong thời gian ở thường trú, người dân có quyền lưu trú ở nơi khác” – Bộ trưởng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn