MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phải coi ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề đạo đức

Ban Thời sự LDO | 11/12/2019 18:40

Báo Lao Động trân trọng giới thiệu Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà – Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 11.12.

Thưa bà Chủ tịch Hội nghị COP25,
Thưa toàn thể các quý vị,

Thay mặt Đoàn đại biểu của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Cộng hoà Chile đã làm tốt vai trò Chủ tịch Hội nghị COP 25. Tôi cũng trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Vương quốc Tây Ban Nha về lòng mến khách và quá trình chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị quan trọng này.

Bốn năm trước tại Paris, các dân tộc chúng ta đã cùng đoàn kết và quyết tâm cao để tạo nên một trong những cuộc cách mạng đẹp nhất trong thế kỉ 21, mang lại những hy vọng mới để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Kể từ đó đến nay, tất cả chúng ta đều đã nỗ lực nhằm bảo vệ khí hậu toàn cầu vì mục tiêu bền vững của Trái Đất cho các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã không ngừng tác động tiêu cực đến tất cả các dân tộc chúng ta. Khoa học và thực tế đã chứng minh thực trạng nguy hiểm nói trên.

Đoàn Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 25.

Thưa bà Chủ tịch Hội nghị COP25,

Tại Hội nghị quan trọng này, Việt Nam xin nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, phải coi ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề đạo đức. Chúng ta có thể làm cho cuộc sống của các thế hệ hôm nay và mai sau thoát khỏi khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu bằng những cam kết cụ thể và các hành động khẩn trương theo Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận Paris.

Việt Nam kêu gọi các quốc gia chưa hoàn thành trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính trong giai đoạn trước năm 2020 tiếp tục thực hiện trách nhiệm này bên cạnh các nghĩa vụ mới trong giai đoạn kể từ sau năm 2020. Điều này sẽ góp phần củng cố lòng tin giữa các quốc gia và dân tộc về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời kỳ mới.

Hai là, đây là thời điểm quan trọng để các dân tộc chúng ta một lần nữa thể hiện tình đoàn kết của mình ngay tại Madrid để hiện thực hoá cuộc cách mạng do chính chúng ta tạo nên tại Paris các đây bốn năm. Đó là cùng chung tay tạo nên chuyển đổi về mô hình phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hướng đến nền kinh tế bền vững có khả năng chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên tinh thần và áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Việt Nam kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho chuyển giao và ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao năng lực nhằm hiện thực hoá quá trình chuyển đổi này tại các quốc gia đang phát triển.

Ba là, quá trình đàm phán về hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris bao gồm Điều 6 cần phải được hoàn thành bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Công ước nhằm cho phép các quốc gia xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Quá trình rà soát và cập nhật NDC cần được hoàn thành trước cuối năm 2020 với “nỗ lực cao nhất có thể” trong giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các giải pháp dựa vào thiên nhiên, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cần được xem xét một cách đầy đủ.

Vấn đề minh bạch trong thực hiện và hỗ trợ thực hiện Thoả thuận Paris đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy học tập, trao đổi kinh nghiệm và củng cố niềm tin giữa các quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. 

Thưa bà Chủ tịch Hội nghị COP25,

Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC. Đồng thời, để thực hiện các đóng góp Việt Nam đã cam kết trong Thoả thuận Paris kể từ năm 2021, chúng tôi cũng đang rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và huy động nguồn lực trong Luật Môi trường sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2020.

Việt Nam hoan nghênh và mong muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện cam kết trong khuôn khổ Thoả thuận Paris nhằm đóng góp vào nỗ lực chung về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vì tương lai bền vững và bảo đảm hơn cho hành tinh của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn