MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về rà soát hệ thống pháp luật. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Tư pháp nói về rà soát mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Vương Trần - Ngô Cường LDO | 01/11/2023 17:31

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật cơ bản là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật.

Có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật

Tại phiên thảo luận chiều 1.11, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, làm rõ thông tin về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20.10.2023 của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tổ công tác của Chính phủ cũng tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Về kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật cơ bản là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật.

“Mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng có nhưng nếu nghiên cứu một cách tổng thể, các kiến nghị có phần chưa chính xác” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Ông dẫn chứng, kiến nghị liên quan đến quy định về nhóm dự án thành phần theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 99 năm 2021 về quản lý thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

"Ý kiến chuyên gia cho rằng, cần phải tính toán thêm xem có chính xác hay không. Tuy nhiên cũng có những vấn đề thuộc về quan điểm và chính sách khi chúng ta xử lý các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể" - Bộ trưởng Lê Thành Long nói thêm.

Thay mặt tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định của mình là giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

Đối với kiến nghị khác liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện, tăng cường năng lực, Tổ công tác sẽ tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là sự tích cực, trách nhiệm của Thường trực Tổ công tác của Chính phủ với 523 văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát với 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác và cơ bản đã hoàn thành trong thời gian ngắn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: VPQH

Theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn các văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay là việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần làm rõ những nguyên nhân này để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101/2023/QH15 là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ.

Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn