MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ Tư pháp: 2019 sẽ thi hành dứt điểm các vụ việc liên quan tham nhũng

CAO NGUYÊN LDO | 08/01/2019 19:27

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2019 đặt ra là tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Chiều 8.1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Năm qua, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 190/223 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn; quyết liệt chỉ đạo cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, với tỷ lệ cắt giảm là 52,13%.

Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018 tăng 2 bậc, xếp thứ 4/19 Bộ, ngành; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử xếp thứ 3/19 Bộ, ngành.

Cùng với đó, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao, thi hành xong hơn 571.000 việc, đạt tỷ lệ 80,3% với số tiền hơn 34.500 tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tính khả thi của một số quy định trong hệ thống pháp luật còn thấp, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.

Việc xử lý văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, thẩm quyền còn chậm. Còn nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính.

Trong 2019, toàn ngành tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tăng cường công tác chỉ đạo, hoàn thiện thể chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính.

Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm 2018 các mặt công tác của Bộ, Ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và thứ tự ưu tiên rõ rệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Bộ Tư pháp cần tham mưu trong công tác xây dựng pháp luật, ý kiến xác đáng xuất phát từ năng lực, trình độ, khía cạnh pháp lý.

Đối với địa phương, cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương đảm bảo cơ bản các văn bản điều hành đúng pháp luật. Bộ, ngành quan tâm đến công tác tư pháp, cán bộ pháp chế, lắng nghe ý kiến về cơ sở pháp lý.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tư pháp phải là “người gác cửa” trong bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật; xem xét xử lý các văn bản trái pháp luật, cồng kềnh trong hệ thống văn bản.

Đặc biệt đề nghị làm tốt công tác gác gôn như: Đào tạo luật sư, cán bộ pháp luật có đủ trình độ tham gia trong các vụ giải quyết tranh chấp quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần khắc phục như pháp luật vẫn bất cập, chưa theo kịp thực tế, thiếu khả thi, tình trạng nợ đọng vẫn còn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn