MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Quốc hội

Bỏ xử phạt hành chính, lo ngại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tăng

Đặng Chung LDO | 26/10/2021 18:44
Chiều 26.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm, phân tích, làm rõ là việc quy định không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lo "khoảng trống" pháp luật

Góp ý về dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này đã thể chế hóa nghị quyết của Đảng, khắc phục được tồn tại bất cập để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Luật hóa cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, đại biểu Lan Anh băn khoăn về việc không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc hội

“Việc thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”- đại biểu Lan Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không phù hợp.

“Bởi việc này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta. Điều này cũng làm tăng thêm gánh nặng trong khi hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải, tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự” - đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, nên giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Làm rõ cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả

Một vấn đề khác được đại biểu thảo luận liên quan đến các quy định về phân chia lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả trong dự thảo luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án về đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Theo phương án 1, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

Phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành, quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.

Góp ý về điều này, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho hay, nhất trí với việc giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đa số đại biểu cũng đồng tình với quan điểm này. Theo đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên), việc giao cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ đăng ký một cách tự động và không phải bồi hoàn là quy định thỏa mãn được mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của nước ta. Đồng thời sẽ giúp "cởi trói" cho các chủ nhiệm đề tài khoa học trong quá trình đưa kết quả nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa cụ thể hơn nội dung, có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả để bảo đảm hài hòa lợi ích; nghiên cứu mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì đối với giống cây trồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn