MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh QH

Bội chi ngân sách được kiểm soát tốt và giảm dần từng năm

Vương Hà Chung LDO | 06/11/2020 11:18

Bội chi ngân sách được kiểm soát tốt và giảm dần từng năm. Tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP tuy đã có xu hướng giảm, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia chậm

Sáng 6.11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc đầu tư công được Chính phủ nhìn nhận là một điểm sáng, song cơ quan thẩm tra đánh giá tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 33,9% vẫn là mức thấp so với yêu cầu.

Tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016-2019 đạt thấp; trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn trong nước của Chương trình mục tiêu quốc gia ước đạt 21,3%, vốn nước ngoài chưa được giải ngân. Tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia chậm, khó đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn hạn chế vì tiến độ triển khai và giải ngân chậm, không đúng so với cam kết với nhà tài trợ; chất lượng chuẩn bị dự án còn chưa đạt yêu cầu, quá trình chuẩn bị dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công còn xảy ra một số sai phạm.

Bội chi và nợ công tiềm ẩn nhiều rủi ro

Về thu chi ngân sách Nhà nước, báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội trình bày cho thấy Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để đôn đốc, xử lý thu nợ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu để thu đúng, thu đủ, kịp thời cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong công tác thực hiện thu ngân sách nhà nước được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán. Bên cạnh đó, còn nhiều hình thức hoạt động kinh doanh giao dịch mới, nhất là các giao dịch xuyên biên giới, các giao dịch sử dụng công nghệ cao chưa được cơ quan quản lý Nhà nước giám sát hiệu quả, dẫn đến thất thu ngân sách.

Bội chi ngân sách được kiểm soát tốt và giảm dần từng năm. Tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP tuy đã có xu hướng giảm, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Như năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đánh giá khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) hụt thu lớn, trong khi vẫn phải tăng chi để thực hiện phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nên dự kiến tỷ lệ bội chi khoảng 4,99% GDP - cao hơn so với dự toán (3,44% GDP).

Trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỉ đồng tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của ngân sách Trung ương thì bội chi NSNN năm 2020 tăng thêm tương ứng, khi đó, bội chi NSNN năm 2020 khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ

Trong lĩnh vực giao thông, các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng, song một số nhiệm vụ không đạt yêu cầu tiến độ đề ra, chưa giải quyết dứt điểm được một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng.

Bên cạnh đó, phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam chưa được trình Quốc hội cho ý kiến theo tiến độ yêu cầu. Việc giải ngân gói 7.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Nhiều công trình trọng điểm giao thông chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Theo báo cáo của Chính phủ, có 48 công trình trọng điểm GTVT, trong đó đã đưa vào khai thác, sử dụng 24 công trình. Hiện nay, còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, gồm 12 dự án đang triển khai thi công và 12 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư bao gồm: 1 dự án là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi) và công tác triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm (Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn