MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Lương bị bắt vì vi phạm qui định về chữa bệnh

BS Lương đã sai sót gì trong vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình?

Lệ Hà LDO | 27/06/2017 15:30
Trong ba người bị bắt tạm giam liên quan đến sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình có một bác sĩ. Đó là bác sĩ Hoàng Công Lương (sinh năm 1986, trú tại Xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội), khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình. Bác sĩ Lương bị bắt tạm giam với tội danh "Vi phạm qui định về chữa bệnh".

Sao chỉ BS Lương phải chịu tội?

Đối với BS Hoàng Công Lương, cơ quan điều tra xác định, BS Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO. Tuy nhiên, khi còn chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, BS  này vẫn quyết định chạy thận cho các bệnh nhân.

Sau khi cơ quan công an có quyết định bắt giam, nhiều ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối cho BS Lương, trong đó có nhiều đồng nghiệp. PGS.TS Nguyễn Văn Bàng - nguyên Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, bày tỏ suy nghĩ của mình: "Đừng để chúng tôi có cảm giác mình là con tốt đen".

Theo PGS.TS Bàng, đúng là Bộ Y tế đã có quy trình, quy phạm đầy đủ về quá trình chạy thận. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào bản chất sự việc để xem tai nạn khởi nguồn từ đâu?

PGS.TS Bàng đưa ra nhiều câu hỏi cần được giải thích, việc Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Cty Thiên Sơn) thuê Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Cty Trâm Anh) bảo trì máy móc đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hoà Bình, có được ghi trong hợp đồng của Ban giám đốc BV với Cty Thiên Sơn không? Tại sao Cty Thiên Sơn ký hợp đồng nhưng lại thuê Cty Trâm Anh? Cty Thiên Sơn không có đủ năng lực, hay chưa từng đủ năng lực, hay có biến động nội bộ không bảo đảm được việc thực thi hợp đồng? Việc Cty Trâm Anh chứ không phải Cty Thiên Sơn đảm nhiệm việc bảo trì lần này, Ban lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình có biết không? Nếu biết thì ai là người đồng ý cho thay thế hay thuê mướn công việc chuyên biệt này?...

Rõ ràng trong sự cố khủng khiếp này, nếu chỉ BS Lương phải chịu tội thì chưa ổn. Trách nhiệm của lãnh đạo BV ở đâu?

BS chỉ là người sử dụng máy sao biết ai bảo trì? 

Cũng theo PGS.TS Bàng, về việc bắt giam BS Hoàng Công Lương, nhiều người trong ngành không có thông tin cụ thể là BS Lương sai sót như thế nào trong vụ án này?

Trên thực tế, sau khi được bảo trì bảo dưỡng, hệ thống lọc nước chưa thử nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân. Trong khi theo quy trình của Bộ Y tế là phải kiểm tra máy chạy thận, thông số nước, theo dõi, giám sát hiện tượng xảy ra bất thường sau khi bảo trì. Cùng với đó, hệ thống lọc nước phải được kiểm nghiệm đầu ra trước khi bàn giao cho cán bộ y tế để đưa vào vận hành.

“Người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo, sau các công đoạn an toàn kỹ thuật, thuộc các nhóm kỹ thuật khác. Các BS chỉ là người sử dụng, vận hành máy cứu người, bởi máy móc đã được ban lãnh đạo bệnh viện, phòng vật tư, phòng kế hoạch tổng hợp... - là những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm với nhà nước và pháp luật ký kết với các đối tác kỹ thuật - đảm bảo an toàn kỹ thuật”, PGS.TS Bàng khẳng định.

Ngoài ra, máy thận nhân tạo vẫn là máy dùng hàng ngày. Trang thiết bị vật tư vẫn là những loại dùng hàng ngày. Mọi quy trình chuyên môn kỹ thuật vẫn tuân thủ như bất cứ lần nào. Làm sao BS Lương hay bất cứ BS nào biết được chuyện ai bảo trì? Về nguyên tắc, thầy thuốc không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng bảo trì vật tư.

Một đồng nghiệp của BS Lương cũng tỏ sự tiếc nuối: "Sáng thứ hai định mệnh ấy, chỉ những người trong nghề mới hiểu rằng bệnh nhân chạy thận đã dồn ứ kinh khủng trong hai ngày cuối tuần. Số lượng bệnh nhân xếp hàng khát khao chạy thận vì họ hiểu rằng họ đang đương đầu với những biến chứng phù phổi, phù thận, rối loạn kali máu... Chỉ những người trong nghề mới hiểu rằng các khoa tiết niệu đã quá tải như thế nào, các máy chạy thận ở bệnh viện nghỉ sớm nhất cũng sau 10h đêm.

Hơn nữa, hoạt động súc rửa bảo trì máy chạy thận không thuộc quyền hạn của bác sĩ mà do các phòng vật tư và hãng máy tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, dán tem đảm bảo chất lượng.

Trước đó, sáng 29.5, 18 bệnh nhân đang chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình thì có biểu hiện buồn nôn, tăng huyết áp, ngứa ngáy và có biểu hiện sốc phản vệ. Tính đến ngày 22.6, có tổng số 8 nạn nhân đã tử vong, 10 bệnh nhân còn lại sau khi được cấp cứu tại BV Bạch Mai đã ra viện, trở về địa phương tiếp tục điều trị.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tiến hành các biện pháp điều tra. Toàn bộ thuốc, hóa chất dùng chạy thận niêm phong để điều tra làm rõ.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn