MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Nguồn: Quốc hội

Bước tiến để chọn người tài

Chung Nguyên Vương LDO | 10/06/2020 07:28
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Việc trực tiếp cầm lá phiếu lựa chọn người xứng đáng làm Bí thư ngay tại đại hội được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và cho rằng, đây là bước tiến thể hiện sự dân chủ trong Đảng ngày càng được đề cao.

Đề cao vai trò trách nhiệm của đảng viên

Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Thực hiện thí điểm bầu Bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao. Đây là cách để nâng cao tinh thần dân chủ và lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết và tín nhiệm cao. Thực hiện theo Chỉ thị 35, Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt mục tiêu thực hiện 100% bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.

Ngày 6.6 khi làm việc với Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn về tình hình thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, đến 31.5, 100% Đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và đều có số phiếu bầu đạt tỉ lệ cao. Nhiều bí thư cấp ủy ở các chi bộ, Đảng bộ đạt 100% phiếu bầu.

Trước thực tế này, Quảng Ninh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý cho chủ trương thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Lãnh đạo Quảng Ninh cho rằng, cách làm này giúp mở rộng, phát huy vai trò dân chủ trực tiếp của các Đảng viên trong đại hội thay vì thông qua Ban chấp hành như trước.

Đồng thời, các đồng chí được bầu trực tiếp cũng là những đồng chí phải có uy tín rất cao trong nhân dân cũng như Đảng viên. Bầu Bí thư trực tiếp tại đại hội thể hiện dân chủ rất cao ở cơ sở.

Nêu quan điểm về đề xuất thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội của Quảng Ninh, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền  (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội) cho rằng, đây là chủ trương cần được khuyến khích trong đại hội Đảng bộ các cấp. Điều này thể hiện sự dân chủ trong Đảng. Việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội không những chọn được người đứng đầu cấp ủy hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín mà còn đề cao vai trò trách nhiệm của đại biểu Đảng viên trong việc lựa chọn nhân sự, góp phần nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân.

“Khi đã phát huy dân chủ như vậy, để tạo được sự đồng thuận thì phải có quy trình bầu, cách làm hết sức chặt chẽ, hợp lý. Tiếp đó, người được lựa chọn nhân sự để đại hội bầu trực tiếp phải chuẩn, phải thực sự có đủ đức, đủ tài, theo đúng tiêu chuẩn, quan điểm lựa chọn cán bộ của Tổng Bí thư. Phải là những cán bộ thực sự vì nước vì dân, những người nói được và hành động được” - đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, việc bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội sẽ phát huy tính dân chủ trong Đảng và trách nhiệm của các đại biểu Đảng viên. Người được bầu cũng nhận thức rõ hơn sự tín nhiệm của toàn thể đảng viên đối với bản thân mình, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong nhiệm kỳ mới, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân.

Giúp chọn được người xứng đáng 

Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nói rằng, đề xuất này sẽ giúp cho việc bầu cử nhân sự thể hiện được tính dân chủ, bình đẳng. Theo ông Hòa, trước đây ở cấp huyện thì đã làm việc này rồi. 

“Bản thân tôi cũng rất đồng tình với đề nghị của Quảng Ninh về việc thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Khi bầu tại Đại hội sẽ chọn lựa được một người xứng đáng cho một chức danh cao nhất ở cấp tỉnh. Tất nhiên chức danh này phải có trong quy hoạch” - ông Hòa nói.

Từng là người được bầu trực tiếp tại đại hội, đại biểu Hồ Thị Minh (Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội), cho biết, bà rất tự hào khi nhận được sự tín nhiệm bằng những lá phiếu của đảng viên.

“Việc bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy sẽ phát huy được tính dân chủ trong Đảng. Bản thân người được ra ứng cử chức danh đó cũng phải soi mình có thực sự xứng đáng với vị trí đó hay không. Ngay bản thân tôi đã từng được bầu ở cấp Đảng bộ cơ quan thôi, nhưng thực sự rất vui và tự hào, đồng thời cũng ý thức rất rõ được trọng trách của mình khi được các đảng viên trong cơ quan tín nhiệm” - đại biểu Minh cho biết.

Bà Minh cũng cho rằng, quan trọng nhất là khi Trung ương lựa chọn địa phương được thực hiện bầu trực tiếp tại đại hội thì cần đánh giá kỹ địa phương đó có thật sự đoàn kết hay không, đồng chí được đưa ra ứng cử chức danh Bí thư cho nhiệm kỳ mới có uy tín không, có năng lực, có tâm, có tầm không? Nếu tất cả đều đảm bảo các tiêu chí lựa chọn cán bộ trong các nghị quyết trung ương và quy định chung hiện nay thì vấn đề dân chủ trong Đảng sẽ được phát huy.

Theo bà Minh, trước khi cho thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội, nên có một quy trình chặt chẽ, gồm các bước thăm dò, lấy ý kiến, thậm chí là cần có đề án chi tiết được cấp trên thông qua trước khi thực hiện. Khi đã có tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình tiến hành công khai, dân chủ, thì chắc chắn sẽ lựa chọn được người xứng đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn