MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - Ảnh: QH

“Các ngân hàng rất hạn chế đầu tư vào dự án BOT”

Xuân Hải - Đức Thành LDO | 08/11/2017 18:40
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) đã nói như vậy khi cho ý kiến về Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, khi Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 8.11.

Ông Thắng cho rằng, việc huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án này là rất khó khăn. Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, dư luận hết sức quan tâm đến sự minh bạch của các dự án BOT.

Thực tế đúng là như vậy, về nguyên tắc, một dự án BOT để đảm bảo có hiệu quả về mặt xã hội và nhà đầu tư cần đòi hỏi sự công khai minh bạch. Như đấu giá, đấu thầu cần có sự cạnh tranh và có tối thiểu từ 2 nhà thầu tham gia nhưng một số dự án lại chỉ định thầu nên vẫn chưa thể hiện được tính  minh bạch.

“Tôi nghĩ rằng, các dự án BOT lần này, ngoài nguồn vốn nhà nước ra thì còn được huy động các nguồn vốn từ các nước. Mà chúng ta biết rằng, các dự án BOT khi thực hiện thì có một số nguồn lực như từ nước ngoài (có hai dạng: nhà đầu tư nước ngoài và huy động từ các tổ chức tín dụng nước ngoài); nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và các ngân hàng trong nước”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, từ trước đến nay, nếu huy động từ nguồn vốn nước ngoài phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên Quốc hội cũng đã phê chuẩn từ nay trở đi không có chuyện Chính phủ bảo lãnh để vay vốn của nước ngoài. Như vậy rất khó để huy động vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài nếu đầu tư vào đòi hỏi rất nhiều cơ chế, sự ưu đãi…

Một điểm nữa khi thực hiện, nhà đầu tư ký kết hợp đồng với Chính phủ, mà đã là hợp đồng thì mọi việc phải thực hiện theo điều khoản. Rất may trong thời gian vừa qua, các dự án BOT không rơi vào nhà đầu tư nước ngoài. Vì khi đầu tư vào thực hiện thu phí mà liên tục bị đình trệ, trả tiền lẻ… thì rõ ràng nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì người ta chắc cũng chỉ dám đầu tư một lần.

Như vậy chúng ta chỉ còn mỗi con đường nguồn đầu tư trong nước, huy động các nhà đầu tư trong nước. Trong khi đó, có 4/8 dự án này có số vốn đầu tư rất lớn. Một nhà đầu tư không thể thực hiện được mà phải cần nhiều nhà đầu tư góp vốn vào. Mà góp vào thì cũng chỉ được 15% theo quy định hiện nay. Nên nguồn vốn huy động chắc chắn phải được huy động từ các ngân hàng trong nước.

“Tuy nhiên, như những gì diễn ra trong thời gian vừa qua, theo đánh giá của các ngân hàng thì việc đầu tư vào dự án BOT là không hiệu quả. Tất cả các ngân hàng rất hạn chế đầu tư vào các dự án BOT. Do vậy tôi nghĩ rằng cần phải có những phương án để chúng ta lấp vào”, ông Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn