MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà trả lời tại họp báo. Ảnh: Phạm Đông

Các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 03/06/2023 19:23

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, thời gian tới, lãi suất sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Tin tưởng lãi suất tiếp tục giảm

Chiều 3.6, trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ về nội dung room tín dụng, giảm lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, từ đầu năm, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung là khoảng 14-15% và đã phân bổ hợp lý cho các ngân hàng.

Theo ông Hà, tính đến hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng, mức tăng khoảng trên 3,17% so với cuối năm 2022. Đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, thị phần tín dụng chiếm khoảng 44% nhưng tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức mà NHNN đã giao.

Còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, nhưng hiện tăng trưởng mới đạt khoảng một nửa mức được giao.

Như vậy, 2 nhóm này chiếm thị phần tín dụng chính nhưng chưa tăng trưởng hết mức được NHNN giao, do đó chưa thể nói là đã hết room tín dụng ở thời điểm này. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021.

“Nếu chính sách điều hành tín dụng của NHNN không thay đổi thì năm nay với khoảng 14-15% như từ đầu năm đặt ra thì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu hơn đáng kể so với 2022”, ông Hà nhận định.

Cũng theo ông Hà, nguyên nhân doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong đầu ra tiêu thụ dẫn tới thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa phần gặp phải tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi cho nên chưa đáp ứng được điều kiện tiếp cận vay vốn của ngân hàng.

Tiếp đó là nguyên nhân liên quan đến tín dụng bất động sản do thị trường gặp khó khăn, ít có dự án mới được triển khai, thiếu hụt nguồn cung, giảm nhu cầu vay vốn lớn.

Trước tình hình này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng có giải pháp xác định tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, NHNN đã có nhiều động thái điều hành giảm lãi suất. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, lãi suất cho vay của các khoản vay mới bình quân là 9,07% (giảm 0,9% so với cuối năm 2022).

“Chúng tôi tin tưởng rằng lãi suất đang giảm và tiếp tục giảm trong thời gian tới. Cùng với chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thì mong rằng các cơ quan, ban, ngành khác cùng phối hợp tích cực đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng”, ông Hà nêu.

Tiếp tục đôn đốc, rà soát, tháo gỡ các dự án bất động sản

Cũng tại họp báo, liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổ Công tác đã đi các địa phương để đôn đốc, lắng nghe, rà soát các dự án bất động sản khó khăn như tại TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…

"Kết quả sau khi xác định được những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó, cũng đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Trong đó xác định các khó khăn chủ yếu là vướng mắc về thể chế, vướng mắc về thực thi tại các dự án", ông Sinh nêu rõ.

Về thể chế, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều các Nghị định, các bộ ngành đã ban hành nhiều Thông tư để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp và được tháo gỡ tại Nghị định số 08 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ liên quan đến pháp luật về đất đai. Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp liên quan đến tháo gỡ về nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Cũng theo ông Sinh, Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất, tháo gỡ nhất là Nghị định sửa đổi các Nghị định trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có nhiều điểm tháo gỡ cho các dự án kinh doanh bất động sản thời gian qua. Cùng với đó là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất sửa đổi trong Luật Nhà ở.

"Có thể nói các tháo gỡ về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được giải quyết", ông Sinh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: Phạm Đông

Nội dung thứ hai là tháo gỡ về mặt thực thi, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có công điện gửi đến các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục, rà soát tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản. Đặc biệt, các dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời.

"Thời gian qua, nổi lên những dự án bất động sản ở các địa phương như TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía Nam còn nhiều vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương để tiếp tục đôn đốc, rà soát, tháo gỡ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn