MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Ngô Thanh Hằng.

Các tỉnh thành đồng loạt nêu ý kiến về vấn đề sáp nhập huyện, xã

Thùy Linh LDO | 26/03/2019 17:36

Nhiều tỉnh thành đã nêu ý kiến tại hội nghị triển khai nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, nghị quyết của UB Thường vụ QH và lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2020 (sáp nhập huyện, xã) tổ chức sáng 26.3 do Bộ Nội vụ tổ chức.

Tách thì dễ, sáp nhập vào rất khó

Ông Nguyễn Hồng Thắng – Phó Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang cho rằng cần sáp nhập huyện, xã theo nguyện vọng của địa phương trên cơ sở rà soát lại từng địa phương. Huyện, xã nào cần sáp nhập thì mới làm chứ không làm đồng bộ tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến chính trị, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng của các địa phương.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ tạo thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...

Tuy nhiên, bà Hằng lưu ý: “Việc sắp xếp tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào rất khó, Hà Nội lúc đầu hợp nhất gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện”.

Theo bà Hằng, ngoài quy mô dân số, diện tích, cần xem xét về cơ cấu kinh tế, kết nối hạ tầng, vị trí địa lý, việc kết nối giao dịch cộng đồng dân cư, yếu tố lịch sử, văn hóa… và phải quan tâm đến chính sách cho cán bộ dôi dư.

"Kinh nghiệm của Hà Nội sau khi hợp nhất là cộng chung số lượng cán bộ thành ủy, HĐND, UBND. Mỗi năm Hà Nội giảm 20%. Ví dụ như Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có 13 Phó Giám đốc (PGĐ), giảm dần sau 5 năm về đúng số lượng PGĐ theo quy định”, bà Hằng dẫn chứng.

Đại diện cho tỉnh Thái Bình, ông Ngô Đông Hải - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy lại băn khoăn việc sáp nhập huyện, xã nếu chia 2 đợt vào năm 2019 và 2020 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại hội Đảng bộ các cấp.

"Nếu đến quý 1.2020 mới sáp nhập các xã cuối cùng thì tính toán, sắp xếp nhân sự cũng như chuẩn bị phương án nhân sự cho đại hội không thể kịp. Nếu kéo dài tiến độ đại hội cấp xã thì ảnh hưởng đến đại hội cấp huyện, tỉnh", ông Hải lo ngại.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị sáp nhập huyện, xã 1 lần trong năm 2019, không kéo dài sang 2020 bởi không nên sáp nhập bằng mọi giá, mà chỉ khuyến khích những nơi có điều kiện.

Đồng ý với ý kiến chỉ nên sáp nhập huyện, xã trong năm 2019, tránh kéo dài sang năm 2020 ông Lê Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, Điện Biên đã phải trả giá cho việc khi xây dựng trường học cho hai bản có văn hóa, tín ngưỡng khác nhau dẫn đến việc khi nhà trường đi vào giảng dạy không hiệu quả.

Gặp khó về vấn đề cán bộ

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trần Quốc Huy lo lắng khi sáp nhập xã sẽ gặp khó về vấn đề cán bộ. Theo ông, nếu đơn vị hành chính có 3 xã sáp nhập lại, các chức danh bầu thì phải luân chuyển chứ không thể ở đó bảo lưu chế độ được. Có thể 2 chủ tịch bảo lưu trong vòng 5 năm nhưng các chức danh không thể có 2 được. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng băn khoăn khi sáp nhập xã miền núi sát với miền xuôi thì áp dụng chính sách nào?

Còn ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An lại băn khoăn sáp nhập xã và huyện có nên chia ra 2 lộ trình, nếu sáp nhập xã thì giao toàn cho tỉnh còn nhập huyện giao cho TƯ thẩm định, quyết định. Về lựa chọn cán bộ đứng đầu, Sở Nội vụ Nghệ An đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể.

"Nếu nhập 2-3 xã thì ai là Chủ tịch? Chủ tịch được bầu theo quyết định của hội đồng. Mà Hội đồng nhân dân 2,3 xã không thể thành một hội đồng được, chưa thể thống nhất với nhau để bầu ai là Chủ tịch. Hay như các quy định khác là Bí thư, Chủ tịch hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hay như Bí thư đoàn thanh niên chẳng hạn, Chủ tịch hội phụ nữ thì cũng có quy định theo hội nhưng chưa tổ chức Đại hội thì bầu ai, cử ai, lựa chọn thế nào rồi chờ các bước tiếp theo, hay chỉ định, lấy phiếu tín nhiệm...", ông Chung băn khoăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn