MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT. Ảnh: NV

Các trường top trên không nên chỉ dựa vào điểm thi THPT quốc gia

Huyên Nguyễn LDO | 02/08/2017 10:03
TS Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - cho rằng: Với hình thức thi như hiện nay, kết quả thi THPT quốc gia chỉ mới đáp ứng và thuận tiện cho công tác xét tuyển vào các trường ở top giữa và top dưới. Các trường top trên vẫn cần thêm những cuộc sát hạch riêng để tìm ra người thực tài, đáp ứng được chất lượng đầu vào cho mình.

Thưa TS Lê Viết Khuyến, ông nhận định như thế nào về mức điểm chuẩn cao kỉ lục các trường vừa công bố hiện nay?

- Tôi cho rằng việc điểm chuẩn năm nay đạt mức kỉ lục như vậy cũng không phải là điều bất thường mà đã được dự đoán từ trước. Việc điểm cao chót vót thực tế cũng chỉ ở vài ngành “hot”, trường “hot”. Điểm chuẩn cao ngoài do điểm thi cao hơn so với mọi năm thì còn do ngành “hot” và quy định không khống chế nguyện vọng trong khi chỉ tiêu lại bị khống chế nên các ngành “hot” sẽ càng “hot”. Tôi cho rằng, điểm chuẩn kỉ lục như hiện nay chưa đáng lo ngại bởi vẫn có những trường lấy bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút.

Với điểm chuẩn cao như vậy, các trường đã tìm được những thí sinh xuất sắc nhất hay chưa, thưa ông?

- Theo tôi, kết quả thi THPT Quốc gia dường như chỉ mới đáp ứng và thuận tiện cho các trường ở top giữa và top dưới thôi. Còn đối với những trường top trên, có chất lượng đào tạo cao thì nên xem xét lại việc dựa vào điểm thi này.

Ở nước ngoài, các trường top trên sẽ tổ chức một kỳ thi sát hạch riêng với đề bài riêng chứ không lấy chỉ dựa vào điểm tốt nghiệp THPT không thôi. Cách thức tổ chức có thể là từ điểm tốt nghiệp THPT, các trường top trên chọn ra một số lượng thí sinh nhất định, sau đó tổ chức sát hạch để tìm ra những em đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường. Làm như vậy, sẽ tìm được những thí sinh thực sự có năng lực và không để xảy ra chuyện, 30 điểm vẫn trượt.

Đến giờ phút này, ông còn băn khoăn điều gì về kì thi hay không?

- Tôi chỉ đang băn khoăn về số thí sinh ảo. Hiện nay thì chưa thấy xuất hiện hiện tượng này nhưng có thể sẽ bộc lộ trong thời gian tới. Cho nên, kì thi vẫn cần theo dõi chặt chẽ và còn khắc phục, còn rút kinh nghiệm. Tới thời điểm này chưa thể nói là tự hào về kì thi đẹp đẽ và không cần chỉnh sửa gì nữa.

- Theo ông, cần thay đổi gì cho kì thi năm sau?

- Xung quanh việc đề thi vẫn còn nhiều điều phải bàn luận. Nhìn vào phổ điểm của một số môn đã cho thấy đó không phải là phổ điểm chuẩn. Từ đó, có thể suy ra đề thi chưa phải đề thi tiêu chuẩn. Quá trình chuẩn bị ngân hàng đề thi chưa được trọn vẹn. Nếu đề thi chuẩn bị tốt hơn và được thử nghiệm trên 1 lượng học sinh đông đảo thì tôi tin chắc kết quả sẽ khác. Vì thế, đề thi là khâu cần hoàn thiện thêm rất nhiều.

Bên cạnh đó, cần xác định kết quả thi THPT chỉ phù hợp với các trường top dưới và top giữa. Các trường và ngành top trên cần thêm một kì thi nữa do trường quyết định. Điều này không nằm trong các điều cấm của Bộ mà chỉ là do các trường chưa làm mà thôi. Các trường cần lưu ý điểm này để khắc phục nhược điểm hiện nay là thí sinh điểm cao vẫn trượt hay phải áp dụng hàng loạt các tiêu chí phụ.

- Dư luận đang hết sức băn khoăn về vấn đề điểm ưu tiên. Khi có nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn “trượt oan” vì không có điểm ưu tiên. Theo ông, còn nên giữ điểm ưu tiên hay không?

- Với điều kiện xã hội như hiện nay thì chúng ta vẫn rất cần mức điểm ưu tiên. Tuy nhiên không nên tuyệt đối hóa. Chỉ có điều như tôi phân tích ở trên, nếu chuyển rộng ra và có thêm 1 kì thi sát hạch nữa thì điểm ưu tiên chỉ để cho các em lọt qua vòng 1 thôi. Như vậy sẽ đảm bảo được công bằng, khách quan đối với các thí sinh.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn