MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp phát biểu thảo luận tại hội trường.

Các vụ án cán bộ nhận hối lộ làm “nóng” diễn đàn Quốc hội

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 04/11/2019 18:26
Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 4.11, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là việc chứng minh hành vi phạm tội trong các vụ án tham nhũng lớn.

Phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh?

Ngày 4.11, Quốc hội thảo luận các báo cáo về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, thi hành án dân sự. Trong phần thảo luận nhắc đến đường dây đánh bạc qua mạng có sự bao che, tiếp tay của tướng công an, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp - cho rằng các đối tượng chính là Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng bọn, ngoài việc bị điều tra về tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ.

Tuy nhiên sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay, kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan khác.

Bà Hoa đề nghị cơ quan tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ.

Trong phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoa cũng dẫn chứng thương vụ MobiFone mua AVG và việc hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về hành vi đưa và nhận hối lộ.

Bà cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền rất lớn, lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ, nên phải xử lý về tội phạm kinh tế.

Bà Hoa đề nghị cơ quan điều tra cần làm rõ chính sách hình sự đặc biệt. Vì vừa qua, một số vụ án tham nhũng lớn khi hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền và được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt. Trong khi chính sách này không rõ về nội hàm và không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào.

Lo ngại tham nhũng trong đơn vị phòng, chống tham nhũng

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề cập về vấn đề tham nhũng trong lực lượng có chức năng về phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên). 

Theo ông Hùng, qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy rằng tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua tuy không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý.

Từ lo ngại này, ông Hùng đề nghị các cơ quan tư pháp chỉ đạo việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Cơ quan điều tra như Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, phạm tội có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn