MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cải cách hành chính phải gắn với tinh giản biên chế

XUÂN HẢI thực hiện LDO | 30/10/2017 15:22
Việc nhất thể hóa, bí thư kiêm tổ trưởng tổ dân phố, thôn, bản là rất tốt. Nếu làm được như thế sẽ giảm được khá nhiều cho ngân sách và tăng được phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách.

“Đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015” đó là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII mới được ban hành. Đồng thời, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng sẽ được Quốc hội thảo luận trong ngày hôm nay (30.10).

Dịp này, Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Ân (ảnh), nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

Ông Ân cho biết: 

- Việc Trung ương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn nhằm khắc phục tình trạng bộ máy tổ chức hành chính nước ta hiện nay quá cồng kềnh. Một đất nước chưa đến 100 triệu dân nhưng có hơn 11 triệu người làm hành chính công chức, hưởng lương từ ngân sách. Tôi thấy rằng như vậy là quá tải.

Vậy theo ông, để Nghị quyết đi vào cuộc sống thực sự hiệu quả thì giải pháp, bước đi tiếp theo là gì?

- Tôi cho rằng Nghị quyết cũng đã nêu rõ đầy đủ về giải pháp các bước thực hiện rồi vấn đề bây giờ là do những người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện. Ví dụ sắp xếp lại các văn phòng cấp tỉnh như Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND là hợp lý, bởi cùng chức năng tham mưu. Nếu nhập vào sẽ làm cho các tổ chức này hợp đồng nhịp nhàng với công việc tham mưu của mình hơn lại tinh giản bộ máy hành chính nhà nước. Và theo tôi, nên áp dụng rộng khắp việc nhập cả văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện.

Vậy làm thế nào để lựa chọn được cán bộ tốt ở lại, loại những cán bộ kém, thưa ông?

- Việc sắp xếp lại bộ máy, 3 văn phòng nhập lại 1 nhất định biên chế thừa sẽ ra, sẽ thành 3 văn thư nhưng phải lựa chọn giữ lại 1 người làm việc tốt nhất ở lại và phải thải loại 2 người kém hơn. Việc này tôi cho rằng người đứng đầu mỗi cơ quan cần có giải pháp để lựa chọn như thành lập hội đồng, cuộc thi tuyển để lựa chọn công khai, tránh việc nể nang rồi loại người giỏi để chọn “con ông cháu cha”.

Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng khi sáp nhập các cơ quan, lựa chọn cán bộ sẽ “đụng” vào con ông cháu cha nên khó thực hiện, thưa ông?

- Đúng là khó nhưng vẫn phải làm, chúng ta phải cương quyết mới thực hiện được. Việc lựa chọn cán bộ phải được tổ chức thi sát hạch công khai, minh bạch để giữ lại được người tài và loại được những người kém năng lực, người nhà không đủ năng lực, không đáp ứng yêu cầu thì phải sa thải. Đặc biệt là người đứng đầu các cấp phải thực hiện việc này, công tâm, khách quan, chọn người đủ đức, tài để đảm nhiệm công việc ấy.

Tới đây các cấp, các ngành phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết, những nơi nào làm không đến nơi đến chốn thì phải xem xét tư cách, xử lý kỷ luật người đứng đầu, có như vậy Nghị quyết mới đi vào cuộc sống.

Thưa ông, để sắp xếp lại bộ máy thì việc nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch cũng được đưa ra, tuy nhiên mới ở những nơi có đủ điều kiện. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việc nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch đã được Quảng Ninh thực hiện rất tốt.

Việc bí thư kiêm chủ tịch cấp huyện, cấp xã là rất hiệu quả. Bởi vì, bí thư định hướng rồi đưa luôn vào thực hiện chủ trương của Nhà nước, quán triệt luôn sẽ thống nhất được vấn đề hơn góp phần tăng lương cho người cán bộ làm được việc.

Việc nhất thể hóa, bí thư kiêm tổ trưởng tổ dân phố, thôn, bản là rất tốt vì anh tiếp nhận chủ trương của cấp ủy Đảng rồi chính anh là người đưa vào thực hiện tại nơi ở là rất hiệu quả. Nếu làm được như thế sẽ giảm được khá nhiều cho ngân sách và tăng được phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn